Sư thầy Thích Đàm Vượng, Trụ trì chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) và người dân địa phương phản ánh rằng khu di tích được xếp hạng cấp tỉnh đang bị xâm hại nghiêm trọng từ khi mỏ đá của Tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải hoạt động. Mỏ đá này khai thác trên dãy núi Cồn Sẻ, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình, giáp ranh Thanh Hóa). Vị trí này cách chùa Hàn Sơn khoảng 70 m.
Chùa Hàn Sơn nằm gần núi Cồn Sẻ, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình. Ảnh: Ban Quản lý di tích chùa Hàn Sơn. |
Chùa rung lắc khi nổ mìn
Hàng ngày, mỏ đá thường thực hiện ít nhất 2 lần nổ mìn vào lúc 11h và 17h. Việc này tạo ra dư chấn, rung lắc khiến cơ sở vật chất của chùa Hàn Sơn bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của Zing.vn, khu vực bậc thềm của nhà khách trong chùa có nhiều vết nứt lớn và dài. Mái ngói tam bảo bị sụt gây dột nước, ẩm thấp mỗi khi có mưa. Nhiều bức tường tại đây cũng xuất hiện các vết nứt.
Ngoài việc nổ mìn, chủ mỏ còn xay đá còn khiến bụi bay mù mịt, phủ trắng cây cối, nhà cửa của di tích.
Vết nứt kéo dài tại chùa Hàn Sơn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ông Lã Văn Toan, thành viên Ban kiến thiết chùa Hàn Sơn, cho biết mỏ đá hoạt động quá gần khiến cơ sở vật chất của chùa ảnh hưởng nghiêm trọng, cảnh quan có nguy cơ bị phá vỡ.
"Sư thầy trụ trì và chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền can thiệp để mỏ đá ngừng hoạt động nhằm bảo vệ di tích nhưng chưa được xử lý, khiến mọi người vô cùng lo lắng. Du khách thập phương đến đây cũng quan ngại”, ông Toan nói.
Dân bất an sống cạnh mỏ đá
Không chỉ nhà chùa mà người dân xã Nga Điền và xã Yên Lâm cũng cho rằng mỏ đá ở đây khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Ông Hoàng Văn Doa (83 tuổi, xã Nga Điền), một trong những hộ sống cạnh mỏ đá, cho biết ngày nào mỏ đá cũng nổ mìn gây dư chấn, rung lắc đồ đạc trong nhà.
"Tường nhà tôi xuất hiện nhiều vết nứt. Nhiều năm qua, chúng tôi vô cùng bất an, lo lắng khi phải sống cạnh mỏ đá”, ông Doa nói.
Ngọn núi Cồn Sẻ bị khai thác nham nhở gần chùa Hàn Sơn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Còn bà Phạm Thị Hiên thì kể rằng khi nổ mìn, có những viên đá to như nắm tay bay thẳng vào nhà. Bụi đá thì bay mù mịt khiến môi trường bị ô nhiễm, đồ đạc bám bụi.
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, cho biết xã Nga Điền giáp ranh xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, Ninh Bình). Việc Tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải do ông Nguyễn Minh Nguyệt làm chủ khai thác đá ở núi Cồn Sẻ đã gây ảnh hưởng lớn đến di tích chùa Hàn Sơn và môi trường sống của người dân hai xã. Dưới chân núi Cồn Sẻ là tuyến đường liên tỉnh, việc khai thác đá rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
"Xã chúng tôi đã đề nghị UBND xã Yên Lâm xem xét, giải quyết và báo cáo UBND huyện Nga Sơn", ông Huynh nói.
Nhà của các hộ dân cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Lãnh đạo UBND xã Yên Lâm thừa nhận mỏ đá gây ảnh hưởng đến chùa Hàn Sơn và người dân xung quanh. Dư chấn nổ mìn gây sạt lở đá xuống đường tại vị trí giáp ranh hai xã. Tuy nhiên, mỏ đá Hồng Hải có giấy phép của UBND tỉnh Ninh Bình nên xã Yên Lâm cũng chỉ nhắc nhở chứ không đủ thẩm quyền và chức năng xử lý.
Chùa Hàn Sơn xây dựng tại Thần phù Hải Khẩu (cửa biển Thần Phù, làng Quang Minh, thuộc tổng Thần Phù, tỉnh Ninh Bình) vào năm 1797. Ngày nay, chùa ở thôn Chính Đại, xã Nga Điền (Nga Sơn, Thanh Hóa). Năm 2011, chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Ba năm sau, chùa được phục dựng giai đoạn 1 và khánh thành tháng 4/2016. |
Chùa Hàn Sơn nằm tại vị trí giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình. Ảnh: Google Maps. |
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: zing.vn