Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 4 nên tại Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 100mm. Đồng thời, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng các tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt tại các huyện: Thường Xuân,Thọ Xuân, Yên Định, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn.
Để tránh nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm, 20 hộ dân đã được di dời (Ảnh minh họa: Một vụ sạt lở đất từng xảy ra ở Thanh Hóa). |
Hiện tại, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa biến đổi chậm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng, đặc biệt tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh.
Sáng 30/8, do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn kéo dài. Một số nơi như thị trấn Ngọc Lặc và các xã Thành Long, Thành Tiến (huyện Thạch Thành) xuất hiện tình trạng ngập lụt.
Mưa lớn gây ngập lụt tại thị trấn Ngọc Lặc vào sáng 30/8. |
Tại huyện Mường Lát, để ứng phó với diễn biến mưa lũ, huyện Mường Lát cũng đã yêu cầu cán bộ, nhân viên không nghỉ lễ 2/9, huy động 100% quân số các đơn vị túc trực, ứng phó với diễn biến mưa bão số 4.
Ngập lụt tại huyện Thạch Thành do ảnh hưởng của bão số 4. |
Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 4, để tránh trường hợp nguy hiểm cho những hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, huyện đã tổ chức di dời 20 hộ dân ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy đến nơi an toàn.
Huyện Quan Sơn là nơi vừa bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của bão số 3. Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa khắc phục xong hậu quả do cơn bão số 3 để lại.
Tác giả: Tùng Nguyễn
Nguồn tin: Báo Nhân đạo và Đời sống