|
Măng đắng: Măng rừng được người Điện Biên hái về sau những buổi đi làm nương rẫy. Đây là đặc sản Điện Biên truyền thống mà người dân thường sử dụng trong mỗi bữa cơm thường ngày.
Măng đắng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như hầm xương, nướng, luộc, xào hay chỉ đơn giản là măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái). Phần non bên trong có vị đăng đắng, giòn, và ngọt thơm. Ban đầu, khi mới thưởng thức sẽ thấy có vị đắng, nhưng càng ăn lại càng thấy ngọt mát. Nhất là khi thưởng thức cùng những món ăn dân tộc như: cá nướng, thịt nướng... thì món ăn lại càng trở nên đậm đà hơn.
Đối với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên. Dù thưởng thức theo cách nào, món măng đắng cũng sẽ khiến cho rất nhiều người phải mê mẩn.
Với những hương vị thuần túy, mộc mạc, nét đặc trưng trong từng món ăn đã góp phần tô điểm cho bức tranh muôn màu của ẩm thực văn hóa Điện Biên. Những năm qua, ẩm thực Điện Biên dù không quá phong phú nhưng cũng đủ khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi hương vị của nó.
Ảnh minh họa |
Xôi nếp nương ngũ sắc: Được “uống nước” của núi rừng, cộng với khí hậu đặc trưng của Tây Bắc nên lúa nếp nương Điện Biên thơm, mềm, dẻo, ngọt hơn hẳn các loại gạo nếp khác. Với nguyên liệu ngon như vậy thì tất nhiên sẽ làm ra món xôi nếp khó cưỡng. Xôi nếp nương Điện Biên có vị ngọt, dẻo, thơm lừng trong từng hạt và dù có bị nguội thì hạt xôi cũng không hề bị cứng khi ăn.
Người Thái thường đồ xôi bằng chõ gỗ đặc biệt và phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay rồi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, cho xôi dẻo lâu. Từng vốc xôi căng mẩy, hạt đều tăm tắp mà khi xòe tay ra vẫn không bị dính. Hít hà cái hương thơm đặc trưng của núi rừng, rồi dùng kèm với thịt nướng, cá nướng… thực khách mới thưởng thức được đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Bên cạnh xôi trắng, người ta còn tạo màu sắc sặc sỡ cho xôi bằng cách lấy các loại cây rừng để tạo màu vàng, tím, xanh, đỏ giúp món xôi trở nên hấp dẫn hơn. Vo từng nắm xôi lại trên tay và nhẩn nha thưởng thức mới có thể cảm nhận hết được hương vị dẻo thơm của loại xôi nếp nương này.
Bánh chưng nếp nương lá riềng: Kết tinh từ những mảnh đất màu mỡ của núi rừng Tây Bắc, lúa nếp nương Điện Biên mang trong mình vị dẻo và hương thơm rất khó quên. Là đặc sản trứ danh của miền Tây Bắc, những hạt gạo trắng tròn, dẻo thơm, mang hương vị đậm đà.
Điểm đặc biệt ở đây là bánh được gói bằng lá riềng chứ không phải lá dong như truyền thống. Bánh có màu xanh mướt tự nhiên từ trong ra ngoài do gạo được làm từ gạo nếp nương ngâm nước cốt lá riềng. Bánh rất dẻo, nhân bánh được làm từ thịt lợn sạch thái miếng to bản, mỡ không béo, được bọc trong lớp đỗ xanh đồ nhừ, giã nhuyễn tạo cho vị bánh ngon và có mùi thơm đặc trưng.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mỉ từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc. Mặc dù gói vo nhưng bánh lại vuông, chắc và rất chặt tay không phải độn lá nhiều như ngoài hàng, trước và sau khi bóc trọng lượng bánh vẫn không thay đổi. Các nguyên liệu cũng như cách làm bánh vô cùng công phu, tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
Ảnh minh họa |
Thịt lợn bản: Đến với Tây Bắc, ngoài những đặc sản như thịt trâu thịt bò gác bếp thì thịt lợn bản là món ăn mang đậm hương vị như chính nghĩa tình của người bản địa nơi miền sơn cước.
Không giống như giống lợn nuôi thông thường, lợn bản thường rất nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 50kg. Tại một số nơi, lợn bản còn được nuôi như vật nuôi bởi chúng rất ưa sạch sẽ.
Do được chăn thả tự nhiên, chỉ ăn cỏ, măng tre và các loại rau củ nên lợn bản là da đen dày, mỡ mỏng, thịt chắc rất thơm ngon.
Sâu chít Điện Biên: Sâu chít vừa là đặc sản Điện Biên vô cùng nổi tiếng vừa là một trong những vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền, được coi như là đông trùng hạ thảo của Việt Nam.
Là một loại sâu màu trắng sữa, căng mọng và rất ngon lành. Sâu chít nằm trong thân cây chít và khiến cho cây không thể ra hoa. Vì thế, người ta bắt sâu bằng cách chẻ đôi thân cây chít ra. Sâu chít khi được bắt về sẽ được thả trong một chậu rượu nhạt để giúp cho sâu không bị biến đổi. Loại sâu này có thể đem nấu cháo hoặc ngâm rượu. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe lại rất ngon nên sâu chít là một món đặc sản cực kì nổi tiếng và tiêu thụ rất mạnh ở vùng xuôi.
Tác giả: Tiểu Phi
Nguồn tin: nguoiduatin.vn