Bàn luận về đề xuất học sinh ở trường công lập không phải đóng học phí sẽ được mở rộng đến lớp 9, GS.TS Lê Sĩ Thiệp, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia nhận xét đây là điều đáng mừng vì như thế, Nhà nước có thể nuôi con em học hết cấp 2 chứ không chỉ cấp 1. Tuy nhiên, ông chỉ sợ việc miễn học phí này chỉ có trên giấy, còn thực tế học sinh vẫn phải đóng đủ thứ tiền dưới mọi biến dạng và việc chọn các em lên lớp, chuyển cấp không được vô tư, khách quan.
Nhìn rộng ra cách phân phối nguồn lực cho giáo dục giữa trường công và trường tư khi theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, học sinh trường công lập được miễn học phí đến lớp 9, còn các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, vị chuyên gia cho rằng chủ trương này không có gì là không công bằng.
Theo đề xuất của Bộ Giáo dục, đối tượng học sinh được miễn học phí sẽ mở rộng lên đến lớp 9 |
Ông lý giải: "Khả năng của ngân sách nhà nước chưa đủ để lo cho 100% con em chúng ta đi học miễn phí, nên chỉ chọn các cháu nào học khá, cụ thể là đủ mức điểm nào đó thì mới cho vào trường công, theo đó, được học miễn phí, còn ai học kém thì đành gạt ra.
Điều đó không có gì khác so với việc của nhà ta, khi con thì đông, nhà thì nghèo, không thể cho cả đàn con đi học được, nên đành phải để một số đứa bỏ học và đứa bị chọn để bỏ học có thể là đứa lớn nhất, vì nó bỏ học thì còn có khả năng đi cày nuôi em, cũng có thể là đứa học quá kém. Với cả quốc gia, cách tính toán đó là đúng.
Còn việc Nhà nước cho phép mở trường tư và cho các trường tư tự quyết việc thu học phí cũng là đúng.
Khi Nhà nước không đủ ngân sách để nuôi 100% con em chúng ta đi học miễn phí thì những con em bị gạt ra học ai, học ở đâu, mất bao nhiêu tiền học phí,.. cũng như thế".
Trên cơ sở những phân tích này, trước ý kiến cho rằng, con em những người lao động đi làm ở đô thị không được hưởng lợi từ chính sách nói trên do chưa có hộ khẩu, phải học ở trường tư với mức học phí không hề rẻ, trong khi những người có thu nhập cao hoặc cho con em học ở trường công chất lượng cao được miễn học phí hoặc học ở trường tư, GS.TS Lê Sĩ Thiệp thể hiện một quan điểm khác.
Ông cho rằng, trong điều kiện kinh tế như Việt Nam, Nhà nước chưa đủ ngân sách để mở trường công khắp nơi để người dân đi tứ xứ mà vẫn có chỗ cho con em học là điều bình thường. Chưa nói rằng, không thiếu người lao động “nhảy cư” quá nhiều khiến ngân sách nhà nước khó đáp ứng được.
"Mặt khác, nếu con em người lao động không thuộc diện đủ tiêu chuẩn học trường công, đã không vào nổi trường công ở quê, thì nay ra tỉnh, sao lại đòi trường công để học?
Nếu con em người lao động đang học trường chuyên, lớp chọn, chí ít là học trường công ở quê mà nay ra tỉnh không xin được vào học các trường danh giá như mình đã từ bỏ ở quê thì cũng đành phải chịu. Làm sao vừa muốn ra thành phố để kiếm ăn lại vừa muốn con em mình giữ được nguyên ngôi vị cao trong làng học vấn?"
Từ đây, ông cho rằng, hãy chờ cho Việt Nam giàu như Phần Lan, như Australia, lúc đó, giáo dục phổ thông miễn phí không chỉ đến hết cấp 2 (Lớp 9) mà đến hết cả cấp 3 và có ở khắp nơi.
Nhưng ngay cả nước giàu như Australia, họ giàu hơn cả Phần Lan vậy mà có phải người dân nào của nước Australia vào sống ở sâu trong thảo nguyên, nhà nước Australia cũng đi theo sau họ mà làm quốc lộ và mở trường đâu. Ai muốn sống như thế cũng phải kéo đủ số hộ, số dân do Nhà nước quy định cho từng vùng.
Hiện tại, Việt Nam chưa thể học y xì theo cách làm giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan, Australia vì điều kiện kinh tế kém nhưng chúng ta rất nên và rất cần học về tầm nhìn về sự nghiệp giáo dục", GS.TS Lê Sĩ Thiệp kết luận.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất việt