Ông Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi |
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành tập trung, tạo nhiều bước chuyển về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân.
Từ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong tỉnh tăng theo từng năm. Năm 2015 đạt 76,58% tăng lên 86,38% năm 2017.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong việc thực hiện BHYT, đó là tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động tham gia BHYT nói chung, nhất là lao động trong các doanh nghiệp còn thấp. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa có sự đồng đều giữa các địa phương, như tại huyện Yên Thành mới đạt 69,85%.
Để tiếp tục nâng tỷ lệ người tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội, Giám đốc BHXH tỉnh Lê Trường Giang kiến nghị HĐND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ mức mua thẻ BHYT cho người hết tuổi lao động chưa có thẻ BHYT (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam).
Giám đốc BHXH tỉnh Lê Trường Giang kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người hết tuổi lao động chưa có thẻ. Ảnh: Minh Chi |
Liên quan đến việc sử dụng nguồn quỹ, Giám đốc BHXH tỉnh Lê Trường Giang, cho rằng, Nghệ An vẫn đang là tỉnh có bội chi BHYT lớn.
Nguyên nhân khách quan, theo ông Giang do điều chỉnh tăng giá dịch vụ kỹ thuật và tác động của chính sách khám, chữa bệnh (KCB) liên thông, mức đóng bình quân trên thẻ BHYT thấp so với bình quân cả nước, tỷ lệ số người hưởng 100% chi phí KCB cao, chiếm 54% tổng số người tham gia BHYT.
Về chủ quan thì có một số cơ sở y tế thực hiện việc thu hút người dân bằng cách tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật; có biểu biện tách hồ sơ nội trú, ngoại trú, dẫn đến gia tăng số lượt điều trị cũng như tăng chi phí KCB; có tình trạng đưa bệnh nhân có bệnh lý nhẹ vào điều trị nội trú…
Tại cuộc làm việc, trên cơ sở giám sát trực tiếp tại một số địa phương và cơ sở y tế, nhiều thành viên đoàn công tác HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề đề nghị cơ quan BHXH tiếp tục quan tâm.
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị cơ quan BHXH cần đẩy mạnh tuyên truyền ở các địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT và nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, nhất là chủ sử dụng lao động và người có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.
Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng cần thay đổi cách thức tuyên truyền, ngoài tuyên truyền việc mua thẻ BHYT thì cũng cần tuyên truyền trách nhiệm người sử dụng thẻ một cách hợp lý...
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Hồ Phúc Hợp kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi |
Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Hồ Phúc Hợp khẳng định, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH đã nhấn mạnh, BHXH, trong đó có BHYT là một trụ cột chính đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó yêu cầu đặt ra là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Bởi vậy, Trưởng đoàn giám sát đề nghị cơ quan BHXH tỉnh cần có giải pháp để triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền.
Gắn với đó, BHXH cũng cần phối hợp với Sở Y tế quản lý và sử dụng nguồn quỹ BHYT hợp lý, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT và an toàn quỹ.
Mặt khác, cơ quan BHXH cũng cần quan tâm khắc phục những vấn đề bất cập, hạn chế trong việc triển khai chính sách, pháp luật BHYT đang đặt ra.
Tác giả: Minh Chi
Nguồn tin: Báo Nghệ An