Tuyến đê có tổng mức đầu tư lên đến 143 tỉ đồng bị nứt toác sau 2 năm bàn giao. |
Được biết, tuyến đê được nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2011, đến đầu năm 2017, toàn bộ tuyến đê được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, đê bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Vì còn trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư là UBND huyện Hậu Lộc đã yêu cầu nhà thầu khắc phục hiện trạng. Đến cuối năm 2019, nhà thầu đã cho đổ một lớp bê tông phủ lên các vết nứt, đồng thời bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư. Thế nhưng cũng chỉ sau ít thời gian, các vết nứt lại bắt đầu xuất hiện và mở rộng như chưa hề được gia cố, bảo trì.
Ông Lê Văn X - một người dân sinh sống tại thôn Yên Lộc, xã Ngư Lộc cho biết, ngay khi tuyến đê được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng hết sức vui mừng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì có tới 2 lần bị hư hỏng. Hiện nay nhiều đoạn trên tuyến đê này sụt lún, nhiều đoạn mặt bê tông của đê xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài đến cả trăm mét, đặc biệt với đoạn vết nứt to kéo dài đến 50m và chiều rộng vết nứt càng ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.
“Người dân các xã có tuyến đê chạy qua, đặc biệt là các gia đình có đầm nuôi tôm trong trong đê rất lo lắng trước sự xuống cấp của con đê. Nếu tình trạng này không kịp thời được sửa chữa, khắc phục thì cánh đồng nuôi tôm rộng hàng trăm hecta của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng khi có bão lớn đổ bộ” - ông X. lo lắng nói.
Tìm hiểu từ phía chính quyền, được biết tuyến đê chắn sóng ven biển chạy qua các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc có chiều dài gần 5 km, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương với tổng vốn đầu tư lên đến 143 tỷ đồng, do UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư, đơn vị thi công tuyến đê chạy qua xã Đa Lộc là Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn (có trụ sở tại Ninh Bình) và Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành (có trụ sở tại Thanh Hóa). Tuyến đê này mới được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016-2017, đến năm 2019 thì được bàn giao cho chủ đầu tư.
Làm việc với phóng viên, ông Vũ Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyến đê bị nứt dọc và xuống cấp như hiện nay có thể là do phần thân đê yếu, đặc biệt là phần chân đê là đồng nuôi tôm của bà con nhiều ao bị sạt, gây tác động đến thân đê. Năm 2019, dù đơn vị thi công đã có những hành động trong việc tu sửa, gia cố lại đoạn đê, nhưng do nền đất cũ rất yếu nên đất bị sụt lún khiến lớp bê tông trên mặt đê tiếp tục bị rạn nứt. Xã đã cấm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê, nhưng mặt đê vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là sự an nguy của hơn 200ha diện tích ao, đầm nuôi tôm của người dân. Nếu tình trạng hư hỏng, xuống cấp của tuyến đê không sớm được cải thiện, nguy cơ mất trắng diện tích này khi có bão lớn về là không thể không xảy ra” - ông Đỉnh nói.
Tác giả: NGUYỄN CHUNG
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết