Đê Vinh dài gần 13km, án ngữ phần lớn phía đông, bao bọc 4 xã huyện Nghi Lộc và toàn bộ TP Vinh (Nghệ An). Đây là con đê có ý nghĩa quan trọng trong tiêu thoát nước, chống xâm nhập mặn, bảo vệ dân cư trước những cơn cuồng phong của biển cả. Vì thế, từ lâu đê Vinh được xây dựng, bảo vệ và đang phấn đấu thành tuyến đê kiểu mẫu.
Tuyến đê du lịch ven bờ sông Lam
Đê Vinh xuất phát từ cầu bến Thủy thuộc phường Bến Thủy, TP Vinh (Km 91+500) và điểm cuối tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Km 104+200), nằm trong hệ thống đường du lịch ven sông Lam nối Cửa Lò - Cửa Hội - Vinh - Hưng Nguyên - Nam Đàn.
Cống Rào Đừng đảm bảo tiêu thoát nước cho toàn bộ TP Vinh
Đê Vinh có 4 kè, 5 cống loại lớn, tiêu thoát nước cho toàn bộ vùng đông bắc, đông nam TP Vinh. Cao trình đê với điểm cao nhất là 6,8m, thấp nhất 4,7m, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1978 là 1m. Chiều rộng đê được phân thành 2 đoạn: Từ Km 91+500 đến Km 94+500 mặt đê rộng 42m, còn lại rộng 11m.
Nếu theo đường du lịch ven sông Lam, xuất phát từ Nam Đàn đi về Cửa Lò, khách du lịch sẽ được thả hồn trong một không gian thơ mộng, giữa thế giới hầu như tách biệt với không khí ồn ào, náo nhiệt của phố thị.
Hai bên đường từ Cửa Hội đến cầu Bến Thủy, du khách có thể thả hồn ngắm nhìn những con thuyền ngư dân cập bến với khoang nặng cá đầy; hay phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng rừng bần Hưng Hòa, lá phổi xanh điều hòa không khí cho toàn TP Vinh.
Du khách cũng có thể ngược sông Lam về thăm Kim Liên quê Bác; ghé các làng nghề truyền thống như làng bánh đa kẹo lạc Hưng Châu, thưởng thức các món ăn chế biến từ rươi nổi tiếng; về Hưng Phú tham quan những cánh đồng chuyên trồng rau thơm tỏa hương ngan ngát một vùng…
Đê Vinh - tuyến đê kiểu mẫu
Đê Vinh vừa là là tuyến đê quan trọng bảo vệ cư dân nội thị và các huyện phụ cận, vừa là đường giao thông, đường du lịch sinh thái nối các điểm du lịch tâm linh xứ Nghệ.
Chính vì vậy, những người làm công tác quản lý đê điều của tỉnh Nghệ An quyết tâm không chỉ giữ cho đê Vinh an toàn trước mưa lũ mà còn phải sạch, đẹp trong mắt du khách.
Về vấn đề an toàn, bà Trần Thị Việt Hà, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Vinh cho biết, là tuyến đê đã có từ lâu, quản lý theo công thức 3 trong 1 (giao thông, đường sinh thái, bảo vệ người dân khi mực nước biển dâng), nên có thể nói chưa ở đâu công tác bảo vệ đê được quan tâm như với đê Vinh.
Phát quang cây bụi ven đê Vinh
Đi suốt tuyến đê Vinh, chúng ta tịnh không thấy có hiện tượng xâm chiếm hành lang đê, suốt tuyến đê không phát hiện điểm sạt lở, xói mòn… nào đáng kể. Đó là những điều kiện thuận lợi để địa phương xây dựng đê Vinh trở thành tuyến đê kiểu mẫu của hệ thống đê điều Nghệ An.
Với vị trí của TP Vinh, chỉ cần những trận mưa trên dưới 200mm là những người làm công tác quản lý đê điều đã hết sức lo lắng. Bởi hầu hết lượng nước từ TP Vinh, một số huyện phụ cận đều dồn về, rồi đổ ra cống Rào Đừng (10 cửa) trước khi hòa vào biển cả.
Chính vì thế, vào mùa mưa để đảm bảo tiêu úng nước, cán bộ, nhân viên Hạt quản lý đê Vinh gần như phải túc trực từng giờ, từng phút để xả nước sao cho lượng nước vừa được tiêu úng hết, vừa căn mực nước từ thượng nguồn sông Lam đổ ra biển không tràn ngược qua cống.
Với trọng trách trên vai, Hạt quản lý đê Vinh luôn sẵn sàng các phương án ứng phó khi có mưa bão. Trong đó, quan trọng nhất là phương án 4 tại chỗ. Theo bà Hà, đây là nhiệm vụ mỗi cán bộ, nhân viên của hạt đều thấm nhuần. Kho đựng công cụ, phương tiện của hạt luôn được kiểm tra, sắp xếp khoa học, đảm bảo ứng phó mọi tình huống bất ngờ.
Kho vật tư phục vụ công tác bảo vệ đê Vinh được bảo quản khoa học
Phía ngoài tuyến đê, rừng bần được trồng từ nhiều năm nay, là tấm tường thành bảo vệ cư dân trước những trận cuồng phong, bão tố, làm giảm sức xói mòn của nước biển. Để bảo vệ hành lang đê luôn thông thoáng, công tác phát sẻ cây ven đê được Hạt quản lý đê Vinh chú trọng theo lịch trình tuần, tháng, quý.
Chính điều này đã giúp cho tuyến đê luôn giữ được vẻ đẹp quyến rũ, thơ mộng. Đứng trên mái đê, du khách có thể nhìn ra xa khỏi rừng bần, ngắm những con thuyền đánh cá trở về từ biển cả, nhìn sang những bãi nổi mướt mát màu xanh của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Thiếu kinh phí |
Từ nhiều năm nay, tuyến đê ven sông Lam đã thực sự níu chân du khách thập phương. Nhiều tua du lịch trong ngày đã hình thành, đưa du khách từ bãi biển Cửa Lò thơ mộng, đi thăm thú nhiều điểm du lịch hấp dẫn trước khi quay về với biển cũng đúng lúc mặt trời xuống núi. |
Ngày 26/6 vừa qua, tại TX Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra lễ khởi động công trình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng ngày, Vinpearl Cửa Hội cũng được khởi công xây dựng. Đây sẽ là 2 "nốt nhạc" tô thêm vẻ đẹp cho đê Vinh. |
Tác giả bài viết: Văn Dũng