Sáng 22-1, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố đã đề nghị HĐXX TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Trầm Bê (SN 1959; nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín- Sacombank) từ 5 đến 6 năm tù; bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) từ 4 đến 5 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Phan Huy Khang |
Bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965; nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng- VNCB, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 20 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) từ 13 đến 15 năm tù; Mai Hữu Khương từ 11 đến 13 năm tù; Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt) từ 6 đến 7 năm tù.
Nhóm bị cáo nguyên lãnh đạo BIDV chi nhánh Gia Định: Hoàng Long Hà 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Ngọc Sơn từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Vũ Bảo từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Ông Trầm Bê tại tòa |
Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố nhận định cần thiết phải xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, thể hiện sự quyết tâm trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh tế. Dưới sự điều hành của ông Phạm Công Danh và Phan Thành Mai, ngân hàng VNCB ngày càng thua lỗ nên được Ngân hàng Nhà nước giám sát đặc biệt.
Sau nhiều ngày xét xử đã làm rõ vai trò, trách nhiệm, động cơ, mục đích của từng bị cáo. Phạm Công Danh đã trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng, thống nhất dùng tiền của VNCB thông qua 29 công ty, lập khống nhiều hợp đồng mua bán đề hoàn thành hồ sơ vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỉ đồng.
Vì lợi ích cá nhân, Phạm Công Danh đã lôi kéo nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng như nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh tạo hồ sơ vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi của Phạm Công Danh và 45 đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm quy định về cho vay. Phạm Công Danh đã tìm mọi cách rút tiền của ngân hàng, chỉ đạo cấp dưới câu kết chặt chẽ, dùng nhiều thủ đoạn gian dối rút tiền VNCB; móc nối với nhiều lãnh đạo ngân hàng khác để vay tiền.
Phạm Công Danh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng nói rằng do áp lực tăng vốn điều lệ nên dẫn đến phạm tội. Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, cho đến thời này vẫn chưa được thu hồi. Mặc dù Phạm Công Danh thành khẩn khai báo, gia đình có công, bản thân có đóng góp cho xã hội nhưng không thể giảm nhẹ hình phạt mà phải xử mức án cao nhất của khung hình phạt.
Nhóm các bị cáo là bảo vệ, rửa xe, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh được Phạm Công Danh thuê làm giám đốc để lập hồ sơ khống vay tiền. Các công ty do Danh chỉ đạo thành lập, chưa có hoạt động kinh doanh; tuy nhiên, Tập đoàn Thiên Thanh đã làm sẵn hồ sơ. Các bị cáo làm giám đốc chỉ được hưởng lương 5 đến 10 triệu đồng chứ không hưởng lợi gì, sợ mất việc làm nên thực hiện theo chỉ đạo của Danh.
Không có cơ sở để chấp nhận lời khai của các bị cáo này khi cho rằng bị oan, chỉ ký vay tiền chứ không chuyển tiền cho Phạm Công Danh sử dụng. Lời trình bày này không có cơ sở để chấp nhận vì nếu bị cáo không ký hợp đồng vay thì không thể có tiền để đồng phạm chuyển cho Danh sử dụng. Hành vi của các bị cáo là một chuỗi mắc xích khép kín, giúp sức cho Phạm Công Danh.
VKSND TP HCM cho rằng nhận thức của bị cáo Trầm Bê là ông Danh có thể vay tiền tại Sacombank với điều kiện có tài sản đảm bảo là nhận thức chưa đúng với những quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Không thẩm định khách hàng, không thẩm định phương án kinh doanh, mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt cho Phạm Công Danh vay tiền, tạo điều kiện cho Danh sử dụng trái phép tiền vay. Vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Ông Phan Huy Khang nhận lệnh của Trầm Bê đã triển khai đến các chi nhánh cho ông Phạm Công Danh vay tiền.Tại phiên tòa bị cáo Khang đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu; có nhiều sai sót trong quá trình cho vay. Khang thực hiện chỉ đạo của Trầm Bê và phê duyệt các khoản vay mặc dù hồ sơ là khống, để cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định. Do đó, đủ cơ sở kết luật cáo trạng truy tố Phan Huy Khang với vai trò đồng phạm tiếp sức cho Phạm Công Danh là đúng người, đúng tội.
VKSND Tối cao đã có công văn yêu cầu thu hồi 6.126 tỉ đồng trả cho VNCB khắc phục hậu quả; cáo trạng yêu cầu tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để thu hồi số tiền này; VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm yêu cầu thu hồi 6.126 tỉ từ Sacombank, BIDV và TPBank để khắc phục hậu quả.
VKSND TP HCM kiến nghị: nếu không có hành vi trái pháp luật của những lãnh đạo VNCB, Sacombank, BIDV và TPBank thì Phạm Công Danh sẽ không thể thực hiện hành vi được. Do đó ngoài các bị cáo đã bị xét xử, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an và VKSND Tối cao điều tra, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các ngân hàng này. Đối với căn nhà ông Trầm Bê sở hữu tại quận 5, đề nghị tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án; riêng căn nhà của chị vợ ông Trầm Bê không liên quan đến vụ án thì đề nghị xem xét trả lại cho chính chủ.
Trong 10 ngày xét xử trước, HĐXX và đại diện VKS cũng như các luật sư đã chất vấn, làm rõ các khoản tiền mà ông Phạm Công Danh đã vay từ 3 ngân hàng: Sacombank, TPBank và BIDV.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước yêu cầu tái cơ cấu VNCB theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng như cần tiền để trả nợ, chăm sóc khách hàng, trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh; ông Phạm Công Danh đã dùng tư cách pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên 29 công ty, vay tiền 3 ngân hàng, gây thiệt hại cho VNCB 6.127 tỉ đồng.
Tác giả: Phạm Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động