Giáo dục

Để ác mộng bạo hành trẻ không còn tồn tại

Quản lý yếu kém, giáo viên không đạt chuẩn, cơ sở vật chất nghèo nàn, các quy định bị bỏ qua, kiểm tra, giám sát bị buông lỏng…đó là một số nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi được các đại biểu Quốc hội chất vấn về thực trạng giáo dục mầm non tư thục và bạo hành trẻ hiện nay, tại kỳ họp quốc hội vừa qua.

Không phủ nhận những tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý mầm non tư thục hiện nay, nhất là thiếu kiểm tra, giám sát của các địa phương.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hầu hết các vụ bạo hành trẻ thời gian qua đều xảy ra ở các mầm non, nhóm trẻ độc lập tư thục, nơi mà đội ngũ quản lý, giáo viên thiếu trình độ, thiếu chuyên nghiệp, chưa nói tới cơ sở vật chất không đảm bảo chất lượng đúng quy định.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc bạo hành trẻ xảy ra, đó chính là đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn.

Những sinh viên với năng lực xã hội còn yếu, thiếu hiểu biết về kỹ năng, không có tính kiên trì, nhẫn nại với nghề và thiếu tình thương đối với trẻ, thì không thể theo nghề chăm dạy trẻ được. Thực tế, người gây ra các vụ bạo hành trẻ đều là những người không có trình độ, hoặc các cô giáo còn quá trẻ, kém hiểu biết và không kiên trì, nhẫn nại.

Một chương trình dã ngoại cắm trại của mầm non Vườn Ong

Là người có hơn 20 làm quản lý giáo dục mầm non và hiện đang điều hành trường mầm non tư thục của hệ thống 5 trường Bee Garden, Thạc sĩ Đoàn Thị Thuần cho rằng “Trường mầm non tư thục không phải là điều gì xa lạ với Việt Nam cũng như thế giới, song thế nào gọi là mầm non tư thục, hay nhóm trẻ độc lập tư thục đạt chuẩn thì nhiều người còn chưa tìm hiểu hết.

Có người cho rằng cứ có tiền là mở trường mầm non tư thục. Chính quan điểm đó khiến cho rất nhiều quy định khắt khe bị bỏ qua và xảy ra các vụ việc đáng tiếc là khó tránh khỏi. Mần non tư thục không chỉ là trường rộng, lớp thoáng, không phải là giáo cụ ngoại nhập, mà chính là phải có những con người có Tâm với nghề”.

Chủ trương về thành lập trường mầm non, nhóm trẻ độc lập, tư thục là một chủ trương đúng và trúng, giải quyết nhu cầu gửi con em của người lao động, khi trường công quá tải.

Song, việc thực hiện chủ trương này đang bị lạm dụng, khi mà số trường mầm non tư thục không đạt đủ tiêu chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều, công tác kiểm tra, giám sát không được các địa phương chú trọng, dẫn tới các vụ bạo hành trẻ, thậm chí khiếm trẻ tử vong, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành giáo dục.

Một lớp bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên mầm non Bee Garden

“Con người là yếu tố rất quan trọng. Khi mà đội ngũ giáo viên mầm non vừa thiếu và vừa yếu kinh nghiệm, thì việc đào tạo và tái đào tạo là điều không thể bỏ qua. Ngay tại hệ thống mầm non tư thục Bee Garden, không chỉ có đội ngũ quản lý trình độ Thạc sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, mà hàng chục giáo viên mầm non tại các cơ sở đều được đào tạo thêm những kỹ năng mềm trong việc làm bạn với trẻ, để hiểu thêm về tích cách của trẻ nhỏ, từ đó có biện pháp chăm sóc và giáo dục các con tốt nhất”, cô Đặng Thị Thu Thủy, Quản lí cơ sở Vườn Ong HH2 Dương Nội, Hà Đông chia sẻ.

Một trong những lý do mà các phụ huynh hết sức quan ngại khi đề cập tới mầm non tư thục, đó chính là cách dạy và học của nhà trường. Nhiều trường trở thành nơi giữ trẻ hơn là dạy trẻ, khi mà hầu như các chương trình giáo dục, kể cả giáo dục chính quy không được áp dụng.

Có nơi thì áp dụng các chương trình giáo dục của nước ngoài, mà không biết trẻ có tiếp thu được hay không. Điều đó ảnh hưởng lớn tới phát triển nhân cách, tư duy và bản thân của mỗi đứa trẻ.

“Cho dù là chương trình hay phương pháp nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, và người nắm giữ vai trò quan trọng trực tiếp đối với sự phát triển của trẻ đó chính là giáo viên. Mỗi giáo viên đều phải hiểu rõ nguyên tắc chung của các Phương pháp đó là: Tôn trọng trẻ, dạy học lấy trẻ làm trung tâm, và luôn tạo điều kiện tối đa cho trẻ được tham gia các hoạt động”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, quản lí mầm non tư thục Vườn Ong Văn Khê cho biết.

Việc làm thực tế giúp trẻ có những kỹ năng cho cuộc sống sau này

Mỗi năm số trẻ mầm non lại tăng thêm 250 ngàn trẻ, riêng Hà Nội có thêm 25 đến 30 nghìn trẻ mầm non đến trường. Trường công trở nên quá tải, còn hệ thống giáo dục mầm non tư thục thì quá nhiều bất cập.

Nếu những tồn tại này không nhanh chóng được giải quyết, thì chắc chắn, các vụ bạo hành trẻ sẽ còn tiếp tục diễn ra, niềm tin vào hệ thống giáo dục mầm non tư thục sẽ ngày càng giảm, không thể phát huy vai trò bên cạnh hệ thống trường công lập, dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh công tác tăng cường quán lý, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, thậm chí đóng cửa, thu hồi giấy phép hoạt động của những cơ sở vi phạm, thì mỗi bậc phụ huynh chính là những người giám sát tốt nhất và hiệu quả nhất.

Việc phối hợp chăm dạy trẻ giữa phụ huynh và nhà trường là điều không thể thiếu, mà một số trường hiện nay đã và đang thực hiện tốt, các vấn đề nảy sinh sẽ nhanh chóng được giải quyết, loại bỏ dần những trường tư thục kém chất lượng, nhưng con người không yên nghề, mến trẻ, và cũng để cơn ác mộng bạo hành trẻ trở thành quá khứ.

Tác giả: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: bạo hành trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok