Trong tỉnh

Đẩy mạnh phát triển Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân tại Thanh Hóa

Dù còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên nhưng phần lớn cấp uỷ, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, qua đó vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp dần được khẳng định.

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn tìm giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp

Để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đặc biệt ngày 23-7-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số Số 10-NQ/TU về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo báo cáo, Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 367 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, chiếm 1,79% số doanh nghiệp toàn tỉnh, với tổng số trên 10.600 đảng viên. Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh có 41 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp với trên 4.700 đảng viên. Phần lớn cấp uỷ, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, qua đó vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp dần được khẳng định, đa số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, duy tri tốt việc làm và thu nhập cho người lao động. Kết quả từ năm 2019 đến nay, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã thành lập được 26 tổ chức đảng, kết nạp được hơn 2200 đảng viên mới. Trong đó, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân kết nạp được hơn 450 đảng viên mới.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Đảng còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn khó khăn, chưa thành lập được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân không cao.

Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN tỉnh Thanh Hóa, Phó bí thư Đảng ủy KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) cho biết, đặc thù của từng doanh nghiệp trong Đảng bộ thuộc khu công nghiệp hoạt động độc lập về mọi mặt, không có mối liên hệ trực tiếp đến lợi ích của nhau, nên tính lãnh đạo, chỉ đạo thiếu gắn kết.

“Chúng tôi có 7 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với hơn 100 đảng viên. Mặc dù đã cơ bản nhất thể hóa chức danh Lãnh đạo doanh nghiệp là bí thư chi bộ, tuy nhiên một số bí thư chi bộ có hiện tượng... khoán trắng cho phó chi bộ, cấp ủy về công tác đảng. Nên việc triển khai các chương trình, kế hoạch và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên chậm và hạn chế. Từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện và giám sát chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ trực thuộc chưa được kịp thời. Chế độ sinh hoạt thường kỳ tại một số chi bộ trực thuộc vẫn chưa được duy trì thường xuyên, nội dung chưa phong phú, còn hình thức nặng tính chuyên môn” ông Sơn nói.

Theo ông Vũ Hồng Sơn, Phó bí thư Đảng ủy KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa một số bí thư chi bộ tại các doanh nghiệp có hiện tượng... "khoán trắng" cho phó chi bộ, cấp ủy về công tác đảng

Cũng theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng tại các khu công nghiệp nói chung là địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp rộng trên khắp trong và ngoài tỉnh; phần lớn cán bộ, đảng viên thường xuyên lưu động, phân tán nên việc triển khai các hoạt động công tác chuyên môn cũng như công tác xây dựng đảng gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động thường xuyên phải thay đổi công việc gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ. Nhiều người học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác làm việc…

Một thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân mới chỉ quan tâm đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng công tác Đảng. Vì vậy để vận động họ phát triển đảng viên hay thành lập tổ chức cơ sở đảng là một việc làm khó. Chỉ một số ít doanh nghiệp có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước sau đó cổ phần hóa, hoặc chủ doanh nghiệp là người từng công tác trong cơ quan nhà nước, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác Đảng thì công tác này ở đây sẽ được chú trọng hơn.

Ông Đỗ Hồng Quang, Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là việc khó nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện. “Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc gặp gỡ, trao đổi và đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy đảng, lãnh đạo đoàn thể với chủ doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các hình thức tọa đàm, giao lưu, trao đổi, sinh hoạt trong các loại hình câu lạc bộ, chuyên đề tập trung thu hút, tập hợp người lao động”, ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phân công người tìm hiểu những công ty mà chủ doanh nghiệp chưa phải là đảng viên nhưng có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ, sẽ cố gắng thuyết phục thành lập tổ chức đảng. Nếu số lượng đảng viên chưa đủ để thành lập chi bộ, cần chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một số tổ chức đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ mới.

Song song với đó, các cấp ủy cơ sở tổ chức gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển đảng, các đoàn thể, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và của tỉnh; biểu dương khen thưởng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức đoàn thể vững mạnh xuất sắc.

Ông Đỗ Hồng Quang, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy KCN Lễ Môn cho rằng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí của chi bộ đảng hoạt động trong doanh nhiệp cổ phần, tư nhân cả về lý luận và thực tiễn trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có liên quan tới vấn đề xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, như vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, Làm tốt công tác này sẽ giúp việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp cổ phần và tư nhân có cơ sở và thuận lợi hơn.

“Làm sao để có chính sách bố trí cán bộ chuyên trách về công tác Đảng đối với các Đảng bộ có mô hình như Đảng bộ KCN. Hoặc cử những cán bộ có năng lực, tâm huyết, có kiến thức về kinh tế thị trường, nắm rõ mô hình, cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp hoặc công tác quản trị của doanh nghiệp xuống cơ sở hỗ trợ công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân. Nghiên cứu giảm thiểu các thủ tục văn bản theo hướng tinh, gọn hiệu quả phù hợp với tình hình hoạt động chi bộ tại doanh nghiệp.

Đảng ủy cấp trên cần tổ chức hội nghị đối thoại hàng quý, 6 tháng, năm để tập hợp giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động công tác đảng với Cấp uỷ, Chi bộ các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân”, ông Sơn đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.

Đảng ủy KCN Lễ Môn đề xuất nhiều giải pháp với Tỉnh ủy Thanh Hóa nhằm đẩy mạnh việc phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, trước mắt vẫn phải thường xuyên tổ chức chương trình tuyên truyền vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân lao động và chủ doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân; vai trò lãnh đạo của Đảng, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm điều tiết hài hoà giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tuyên truyền để người lao động hiểu, chấp hành và thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia xây dựng doanh nghiệp, gắn bó với doanh nghiệp.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok