Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực. Với ông Đệ, ký ức về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ được thể hiện qua tư tưởng, quyết sách của một nhà lãnh đạo lớn của đất nước mà còn là những hành động cụ thể để “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
“Với tôi, gần 2 nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo kĩ trị với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt và đặc biệt thấu hiểu, gần gũi với người dân và doanh nghiệp”, ông Đệ tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Đệ chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải |
Giờ đây, khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, nhưng ông Đệ vẫn không quên những năm tháng đầu lập nghiệp. Năm 2002, ông là chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vận tải Hợp Lực. Thời điểm đó, việc làm vận tải gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc các rào cản về cơ chế, chính sách.
“Mỗi một đầu xe, cơ quan thuế thu một thuế môn bài. Dù là HTX nhưng 60 đầu xe của chúng tôi là 60 thuế môn bài. Nếu cứ đóng thuế như thế thì cước vận tải không thể bù lại được doanh thu, HTX vận tải cả nước có nguy cơ phá sản, giải tán. Cá nhân tôi đã đề xuất nhiều lần bằng văn bản và phát biểu trực tiếp tại các diễn đàn nhưng đều vô vọng”, ông Đệ cho biết.
Về chủ trương, nhà nước khuyến khích kinh tế HTX phát triển nhưng cơ chế, chính sách lại không theo kịp thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, HTX còn bị một số đối tượng xấu bao vây, cấm vận, xã viên mất việc làm; hàng hóa ứ đọng, dồn HTX vào chân tường...
“Đúng lúc đó, nghe tin Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp tại TPHCM, tuy không được mời nhưng tôi vẫn quyết định “cơm đùm cơm nắm” lên “tàu chợ” vào Nam, với hy vọng “kêu cứu” được đến người đứng đầu Chính phủ. Tôi đã phải năn nỉ và được bảo vệ cho vào hội trường, sau phần phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã “đánh liều” vừa giơ tay đăng ký phát biểu vừa đi thẳng lên sân khấu. Lúc đó, bộ phận an ninh đã giữ lại, nhưng rất may Thủ tướng đã ra hiệu cho anh em cảnh vệ để cho tôi lên diễn đàn”, ông Đệ nhớ lại.
Với một doanh nhân còn non trẻ lúc đó, trong ký ức của ông vẫn còn nhớ như in câu nói của Thủ tướng: “Cứ để cho anh ấy nói”. Mặc dù rất hồi hộp, run vì lần đầu tiên được gặp Thủ tướng, nhưng vì những nguyện vọng chính đáng của mình, vì sự phát triển của của kinh tế HTX và đã được Thủ tướng “bật đèn xanh” nên ông Đệ đã có cơ hội “dốc gan ruột” về những ấp ủ của mình.
“Tuy bài phát biểu của tôi đã vượt thời gian cho phép nhưng Thủ tướng và cả hội trường vẫn lắng nghe mà không cắt lời. Khi bài phát biểu của tôi kết thúc, cả hội trường vỗ tay. Thú thật, tôi đã không kìm nén được cảm xúc mà nước mắt cứ trào ra rồi cứ thế rời khỏi hội trường ra về. Tôi cũng không hy vọng có thể thay đổi được chính sách ngay lập tức nhưng ít nhất đã được giải tỏa tâm lý trước người đứng đầu Chính phủ”, ông Đệ nhớ lại.
“Sau khi đã được dốc bầu tâm sự với Thủ tướng, chiều ngày hôm đó, tôi đang ngồi ăn cơm bụi ở ngoài sân ga Sài Gòn để chờ tàu về Thanh Hóa thì nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Người gọi là anh Quách Lê Thanh (lúc đó là Tổng Thanh tra Chính phủ), giới thiệu là người cùng quê với tôi. Anh Thanh kể: Sau hội nghị, trong bữa cơm trưa, Thủ tướng có nói với anh Thanh rằng: Cậu doanh nghiệp ở Thanh Hóa phát biểu rất gay gắt nhưng rất thẳng thắn và đúng.
Thủ tướng giao cho phó thủ tướng lúc bấy giờ chỉ đạo các bộ đơn vị có liên quan nhanh chóng nghiên cứu, sửa đổi chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng còn gửi lời khen phần phát biểu của tôi. Thú thật lúc đó, giữa sân ga Sài Gòn, tôi lại khóc vì vui mừng, xúc động”, ông Đệ chia sẻ.
Và chỉ 15 ngày sau hội nghị tại TPHCM, những kiến nghị của ông đã được giải quyết, đem lại tin vui cho cộng đồng kinh tế HTX cả nước lúc bấy giờ. Từ đó hàng trăm xe chỉ cần một pháp nhân HTX nộp thuế môn bài.
Chưa dừng lại ở đó, một năm sau, Luật HTX 2003 do Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải xây dựng chính thức được Quốc hội khóa XI thông qua, trở thành hành lang pháp lý để kinh tế HTX phát triển. Chính sự thay đổi đó đã tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong mô hình kinh tế HTX cho đến bây giờ. Từ khoảng 4.000 HTX hoạt động lúc bấy giờ, đến nay đã có khoảng 20.000 HTX hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động.
Với một doanh nhân còn non trẻ ngày nào, giờ đây, doanh nghiệp của ông đã phát triển, trở thành một trong những doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Thanh Hóa, nhưng kỷ niệm về lần gặp Thủ tướng Phan Văn Khải không thể phai mờ trong tâm trí của ông. Không chỉ ông Đệ mà với nhiều doanh nhân sẽ luôn ghi nhớ và biết ơn đối với một vị Thủ tướng vì dân, vì doanh nghiệp.
Ông Đệ cho rằng, sau nhiệm kỳ của ông, có một giai đoạn người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của cơ chế bao cấp trở lại, ràng buộc kinh tế tư nhân thông qua hàng trăm, hàng ngàn điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, "tôi thấy tư tưởng hành động của cố Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ hiện kế thừa và phát huy trong một Chính phủ kiến tạo và hành động với thông điệp “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", ông Đệ nói.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí