Giáo dục

Dạy học tiếng Anh ở trường phổ thông: Nhiều bất cập, yếu kém

Giáo viên thiếu và yếu, chương trình, sách giáo khoa lạc hậu, học sinh không có điều kiện thực hành là những vấn đề cho thấy sự yếu kém của việc dạy và học môn tiếng Anh hiện nay.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được đầu tư khoảng 9.400 tỷ đã đi quá nửa chặng đường. Tuy nhiên, nếu nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia và thực trạng dạy, học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay, đề án này đã thất bại.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số 472.000 bài thi môn tiếng Anh THPT quốc gia 2016, 10 bài đạt điểm 10; 2.444 bài trong khoảng 9 - 10 (chiếm 0,52%). Điểm trung bình là 3,48. Điểm nhiều nhất là 2,4.

Một thống kê khác cho thấy 90% thí sinh ở hai cụm thi đại học và tốt nghiệp có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình.

Năm 2015, cũng theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi tiếng Anh.

Kết quả của những kỳ thi được xem là rất quan trọng với "đời học sinh" phần nào nói lên hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay.

Theo phổ điểm thi THPT môn tiếng Anh năm 2016, điểm nhiều nhất là 2,4. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Học không hành

Nguyễn Hồng Tâm (học sinh lớp 9, trường THSC Trương Định, TP.HCM) cho biết em phải đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài để được nghe, nói nhiều hơn, nhiều trò chơi vui hơn. Học ở trường, thầy cô chỉ chú trọng ngữ pháp, từ vựng và thi viết. Học sinh gần như không được thực hành nghe, nói, thảo luận...

Theo cô Đoàn Thị Huyền, giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.HCM, học sinh không có điều kiện luyện tập kỹ năng như nghe, nói vì không có phòng thực hành. Kiến thức trong sách giáo khoa đã cũ, không được chỉnh sửa. Chương trình học quá nặng về ngữ pháp, biến các em thành “cuốn ngữ pháp biết đi”.

Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên tiếng Anh trường THPT số 2 (Tuy Phước, Bình Định) băn khoăn: “Học sinh đã lên mạng ầm ầm mà thầy cô đi dạy tiếng Anh vẫn xách theo cái đài cũ kỹ".

Với điều kiện học tập như vậy, ngay cả học sinh chuyên ngữ cũng gặp khó khăn với việc nghe, phát âm.

Cô Hoàng Thị Nhật Tâm, giảng viên khoa Ngữ văn Anh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thừa nhận sinh viên khoa này chủ yếu là học sinh chuyên ngữ, điểm thi tiếng Anh đầu vào rất cao. Tuy nhiên, kỹ năng nghe, nói của nhiều bạn năm nhất vẫn kém.

Chính kiểu dạy tiếng Anh bằng... tiếng Việt, học không đi đôi với hành, nhiều sinh viên nói hài hước với nhau rằng "ngâm cứu" ngoại ngữ từ lớp 6, tốt nghiệp đại học rất giỏi tiếng Việt... khi nói tiếng Anh.

Một thực trạng đáng lưu tâm là hình thức thi cử, kiểm tra chỉ dựa vào đọc, viết.

Theo TS Nguyễn Thị Hảo, Phó trưởng khoa Quản lý Giáo dục, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tâm lý của học sinh, sinh viên là học gì thi đó. Vì nhiều lý do, bài thi không kiểm tra được các kỹ năng nghe, nói thì các em cũng không chú trọng.

"Nhiều em học để có điểm số chứ không phải sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống. Vì thế, không ít em học đến lớp 12 gặp du khách hỏi đường, cũng không thể hướng dẫn giúp họ", TS Hảo nêu.

Ngoài "học không hành", TS Nguyễn Thị Hảo thẳng thắn chỉ ra rằng trình độ của giáo viên cũng là nguyên nhân chính khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường yếu kém.

“Chất lượng giáo viên tiếng Anh hiện nay là dấu hỏi lớn. Dù Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các thầy cô hiện nay đa số là người Việt, phát âm không chuẩn, không cập nhật phương pháp dạy học mới, không có điều kiện đầu tư chuyên môn nên cách dạy lạc hậu", nữ tiến sĩ nêu thực tế.

Không chỉ yếu về chất lượng, giáo viên tiếng Anh cũng thiếu trầm trọng. Báo Người Lao Động từng dẫn báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết cả nước hiện có 15.883 trường tiểu học với gần 8 triệu học sinh và 151.329 lớp (trong đó, lớp 3, 4, 5 là 89.465).

Với số lượng 21.430 giáo viên như hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp là 0,1% đến 0,2%. Điều này có nghĩa mỗi giáo viên phải dạy từ 5 đến 10 lớp, tương đương 20 - 40 tiết/tuần.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết. Giáo viên ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh bậc tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/tuần.

Cũng theo báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học, cả tỉnh Cao Bằng có 275 trường nhưng chỉ 86 giáo viên tiếng Anh. Địa phương này có chưa tới 30% số giáo viên cần để đáp ứng việc học ngoại ngữ 4 tiết/tuần.

Nhân tố con người thiếu và yếu, chương trình đào tạo, sách giáo khoa cũng chẳng khá hơn.

Cô Đoàn Thị Huyền thông tin nhiều số liệu trong sách giáo khoa đã quá cũ, đến chính học sinh cũng phát hiện ra bất cập. Hơn nữa, sách do người Việt viết, nhiều phần không chuẩn nên áp dụng thực tế rất khó khăn.

Cần môi trường học tiếng Anh sinh động

Theo TS Nguyễn Thị Hảo, điều quan trọng nhất hiện nay là môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, hướng tới việc khuyến khích các em thực hành nhiều hơn.

Nữ tiến sĩ cho rằng để có môi trường tốt, việc đầu tư cơ sở vật chất rất quan trọng. Học sinh phải được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc. Chỉ khi cơ sở vật chất đồng bộ, thầy cô mới có điều kiện đánh giá toàn diện trình độ của các em.

Trình độ ngoại ngữ của Việt Nam so với một số nước và mặt bằng chung của khu vực châu Á. Số liệu của EF - tổ chức giáo dục quốc tế - đưa ra năm 2016. Theo đó, Việt Nam (54,06) kém chỉ số trung bình của khu vực (55,94). Đồ họa: Nguyễn Sương.

Một rào cản nữa cần được phá bỏ nếu muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chính là cách kiểm tra, đánh giá năng lực người học.

Cô Đoàn Thị Huyền đề xuất nội dung kiểm tra nên giảm bớt phần ngữ pháp cứng nhắc, chú trọng các kỹ năng thực hành (ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cũng chỉ kiểm tra trên giấy).

Khâu tuyển chọn và đào tạo giáo viên cần được xem là quan trọng nhất, mang tính đột phá trong việc tạo ra môi trường dạy và học ngoại ngữ sinh động trong nhà trường.

Theo cô Huyền, các trường cần siết chặt khâu đào tạo sinh viên sư phạm và tuyển chọn kỹ hơn. Ngoài ra, hầu như giáo viên hiện nay đều không có thời gian tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nếu có được đi học thì cũng phải "tự bỏ tiền túi”.

Khi đã có giáo viên tốt, chương trình - sách giáo khoa được cải tiến, thầy cô cần giúp học sinh vượt qua nỗi sợ tiếng Anh. Tâm lý sợ sai, xấu hổ khiến nhiều em không dám nói, chỉ thích làm bài tập ngữ pháp.

Từ những phân tích đó, chính những người đang giảng dạy bộ môn này khẳng định rằng nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh năng động khi kết hợp được các yếu tố: Giáo viên giỏi, chương trình - sách giáo khoa tiên tiến, ưu tiên thực hành và cơ sở vật chất đảm bảo.

Khó khăn nhất không phải học tiếng gì mà lấy đâu ra các thầy cô đủ chuẩn để dạy ngoại ngữ.
GS Nguyễn Lân Dũng

Tác giả bài viết: Minh Nhật

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok