Giáo dục

Dạy học ở bậc phổ thông đang... dàn hàng ngang

“Việc dạy toán nói riêng và dạy học nói chung ở các trường phổ thông của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Trong nhà trường, giáo dục thực hiện theo lối dàn hàng ngang và cào bằng tất cả các đối tượng học sinh, không có sự phân loại theo năng lực. Giáo viên đưa ra mệnh đề, học sinh áp dụng máy móc, không hiểu bản chất".

Một cách dạy áp dụng cho tất cả các cấp học

Đó là nhận xét của tiến sĩ Trần Nam Dũng (giải Nhì toán Quốc tế năm 1983, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) về phương pháp dạy và học toán trong nhà trường hiện nay, tại “Ngày hội toán học mở” do Viện Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.

Theo TS Nam Dũng, hiện nay việc dạy đóng khung rất phổ biến. Trong nhà trường, giáo dục thực hiện theo lối dàn hàng ngang và cào bằng tất cả các đối tượng học sinh, không có sự phân loại theo năng lực. Giáo viên đưa ra mệnh đề, học sinh áp dụng máy móc, không hiểu bản chất. Càng lên các bậc học cao hơn, toán học càng khô khan và xa rời thực tiễn.

TS Dũng lấy thí dụ, trong một lớp, có thể có học sinh giỏi và học sinh yếu. Nếu không “dàn hàng ngang” mà phân chia ra trình độ học sinh để có cách dạy riêng, các em cá biệt về toán có thể được cải thiện thành tích học tập.

“Giáo dục quá chú trọng về tư duy logic mà quên mất rằng con người có đến 8 loại hình thông minh khác nhau, bên cạnh thông minh logic còn có thông minh ngôn ngữ, thông minh nghệ thuật… Và mỗi học sinh đều có những năng lực, thiên hướng khác nhau”, TS Dũng cho biết.

Trong khi đó, theo TS Chu Cẩm Thơ, bất cập đầu tiên trong việc dạy - học toán hiện nay ở trường phổ thông là chúng ta không tin vào trẻ em có thể hoàn thiện bản thân mình một cách phù hợp nhất. Từ rất lâu, chúng ta ổn định một cách dạy, một nội dung cho tất cả các cấp học mà quên mất các em có thể tỏa sáng và tự tin trong trường học. Đấy là bất cập không chỉ trong môn toán mà còn ở trong tất cả các môn học khác.

Bất cập thứ hai, chúng ta chưa nhìn thấy sự chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn nội dung chương trình và các cách dạy học phù hợp với trẻ em. Đấy là hai sự bất cập cốt lõi.

Việc giáo viên tìm tòi cách dạy hay cho trẻ chỉ là con số rất nhỏ


Để học sinh say mê: Đó là nghệ thuật

Theo TS Chu Cẩm Thơ, để khác phục những bất cập trong việc dạy và học toán nói riêng và việc dạy học trong nhà trường nói chung có thể thực hiện được ngay.

"Những điều này, chúng ta có thể sửa được ngay, đó là tôn trọng các chương trình dạy học đối với trẻ em cũng như tinh thần tự chủ của chúng. Ngoài ra, vai trò của giáo viên rất quan trọng khi thiết kế các bài giảng cũng như các hoạt động toán học cho trẻ em.

Chúng tôi đã đến gần 100 trường và tiếp xúc với hàng nghìn trẻ em nhưng đáng tiếc, nhiều em không được hưởng những phương pháp giáo dục hay. Có nhiều giáo viên giỏi, rất giỏi, tìm đến cách dạy tốt nhất cho trẻ em nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ.

Số còn lại chủ yếu là áp đặt, thực hiện những cách dạy lạc hậu. Những giờ học khép kín, thầy đọc trò chép, không cho các em trải nghiệm những bài học ứng dụng thực tiễn và áp đặt trẻ trong việc hiểu đúng theo một cách”, TS Thơ chia sẻ.

Cũng theo TS Thơ, hầu hết trẻ khi ở góc độ của mình không hiểu hết và không hiểu đúng sự vật như người lớn mong muốn, nhưng việc các em được bày tỏ suy nghĩ của mình là điều rất giá trị.

Với học sinh, việc được trình bày suy nghĩ và lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ giúp trẻ tự tin, từ đó có sự tự chủ, và cao hơn là có tư duy phản biện. Với giáo viên, việc lắng nghe các suy nghĩ của trẻ giúp người dạy biết cần điều chỉnh suy nghĩ đó như thế nào.

“Việc chuyển suy nghĩ của học sinh từ sai sang đúng phải được thực hiện một cách tự nhiên nhất chứ không phải áp đặt và phủ nhận quyền nghĩ sai của học sinh,” tiến sỹ Thơ chia sẻ.

Để trẻ em say mê học toán, theo GS Ngô Bảo Châu, đó là cả một nghệ thuật


Trao đổi về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu cho biết, có thể cách đánh giá của mình vẫn phiến diện. Tuy nhiên, ông thấy việc dạy học toán ở phổ thông hiện còn rất truyền thống. Cha mẹ muốn con học để thi cử nên người dạy hướng theo thành tích thi cử. Tất nhiên thi cử cũng có cái tốt nhưng điều này phải thay đổi bởi không chỉ đơn thuần thi cử mà các em cần phải có kĩ năng và ý thức tìm tòi, khám phá, rất cần cho cuộc sống sau này.

Và để học sinh có niềm say mê toán học trong nhà trường, theo GS Châu, đó là cả một nghệ thuật, không đơn thuần là phương pháp dạy như thế nào nữa.

GS Ngô Bảo Châu: Trẻ con sợ Toán là thiệt thòi rất lớn

"Toán học không dễ, rất khó là đằng khác nhưng không phải ai cũng có một niềm say mê toán học. Những em quá sợ tóan là thiệt thòi rất lớn bởi chỉ cần không sợ toán, các em đã có rất nhiều cánh cửa khác nhau.

Chẳng hạn, trong khoảng vài chục chuyên môn, có đến 17, 18 chuyên môn các em không học được vì trong đó có một số lượng toán nhất định. Vì thế, không nhất thiết ai cũng phải giỏi toán nhưng trẻ con không nên sợ toán".

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok