Trong tỉnh

Dân vạn chài hết kiếp lênh đênh

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chủ trương lớn của tỉnh Thanh Hóa là đưa toàn bộ dân sông nước lên bờ an cư đã cán đích

Sau nhiều tháng thi công, 28 căn nhà mới kiên cố thuộc khu định cư mới Đồng Sau Cách (thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã hoàn thiện và vừa được chính quyền địa phương bàn giao cho 28 hộ dân sống trên sông chưa có nhà ở.

Vỡ òa trong niềm vui sướng

Hơn 90 năm lênh đênh sông nước trên chiếc thuyền nan chỉ vài mét vuông, giờ đây cụ Nguyễn Thị Giao (SN 1932; ngụ xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) không còn phải phập phồng nỗi lo mỗi khi mưa gió tràn về, bởi cụ giờ đã có nhà mới chắc chắn, khang trang để sinh sống. "Sống tới từng này tuổi rồi, tôi không thể ngờ một ngày mình cùng con cháu lại được ở trong căn nhà kiên cố, khang trang như thế này. Nhiều lúc ngủ dậy cứ tưởng mình đang mơ. Bà con chúng tôi rất vui và hạnh phúc" - cụ Giao chia sẻ.

Xóm định cư của dân sông nước huyện Thiệu Hóa

Nhắc về những ngày tháng trước, cụ Giao không thể tưởng tượng được thời điểm gian khó ấy. Cả gia đình với nhiều thế hệ phải sống trên con thuyền chật hẹp, lênh đênh khắp các khúc sông để mưu sinh. Gia đình cụ cũng từng ao ước có một mảnh đất nhỏ để cất tạm căn nhà, lên bờ ổn định cuộc sống, nhưng cái nghèo cứ quẩn quanh khiến ước mơ đó của cụ trở nên xa vời. "Đầu năm nay, khi nghe tin lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà cho bà con sông nước, tôi vui mừng lắm, rất biết ơn..." - cụ Giao xúc động.

Với anh Nguyễn Văn Hậu (SN 1980), có lẽ vợ anh dưới suối vàng cũng rất vui khi cả gia đình anh đã có nơi an cư, ổn định cuộc sống, còn anh cũng vơi đi nỗi đau mất vợ 4 năm trước. Theo lời anh Hậu, năm 2019, vợ anh trong một lần chèo thuyền bắt cá trên sông Chu, gặp lúc mưa giông, chiếc thuyền bị xô lật úp khiến chị ra đi mãi mãi, bỏ lại anh cùng mẹ già và 4 đứa con, lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Vợ mất, gánh nặng mưu sinh lại đè nặng trên đôi vai người đàn ông này, nên chuyện lên bờ kiếm "mảnh đất cắm dùi" là điều xa vời, quá sức đối với anh.

"Trước ở xóm chài, cả gia đình tôi cùng sinh sống trong chiếc thuyền nhỏ, mỗi khi mưa lũ luôn phải sống trong thấp thỏm, lo lâu. Ước nguyện bao năm rồi cũng thành hiện thực, con cái tôi giờ có thể yên tâm tới trường, không phải lo "chạy trường" theo bố mẹ trên các khúc sông như trước nữa. Còn tôi sẽ cố gắng tìm kiếm một công việc ổn định trên bờ, để lo cho mẹ già, có thời gian bảo ban con cái" - anh Hậu hồ hởi.

Ghi nhận thực tế tại khu định cư Đồng Sau Cách, 28 căn nhà đẹp như một khu phố nhỏ, được xây dựng ngay gần trung tâm xã, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày của bà con. Được dọn về ở trong nhà mới, người dân tại khu tái định cư vui mừng, hạnh phúc. Họ vui vì không còn phải sống đời nay đây mai đó, được lên bờ để con cái họ có điều kiện đi học tốt hơn, những người trong độ tuổi lao động có cơ hội làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.

Tìm việc làm giúp dân an cư bền vững

Bà Nguyễn Thị Giao vui mừng trong căn nhà mới

Ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, cho biết việc đưa toàn bộ 28 hộ dân sông nước trên địa bàn lên bờ là nỗ lực rất lớn của huyện, đây cũng là vấn đề an sinh xã hội mà huyện luôn quan tâm trong những năm qua. Để thực hiện được việc này, ngay từ khi triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã giao việc cụ thể cho từng thành viên, vận động mọi người dân, doanh nghiệp chung tay, nhờ đó mà toàn bộ 28 hộ dân sông nước đã có nhà mới để an cư.

Tuy nhiên, theo ông Biện, đưa dân lên bờ đã thực hiện xong, thế nhưng vấn đề tạo sinh kế bền vững cho bà con cũng là bài toán mà huyện trăn trở, hướng tới, giúp người dân có thể ổn định trên bờ, không quay trở lại nghề sông nước. "Chúng tôi đã thống kê toàn bộ số dân lên bờ, phân loại độ tuổi, trong đó những ai đang còn tuổi lao động sẽ cho họ đăng ký nguyện vọng, nhu cầu huyện sẽ giới thiệu vào các doanh nghiệp trên địa bàn. Ai chưa có tay nghề sẽ được hỗ trợ đưa vào các nhà máy, các trung tâm đào tạo của huyện, tỉnh để đào tạo" - ông Biện cho hay.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, đối với những người ngoài tuổi lao động, huyện sẽ tìm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với người già để họ nhận về làm tại nhà. Đối với trẻ em, sẽ có chính sách hỗ trợ các em đến trường. "Về việc giải tán tàu thuyền để người dân không trở lại sông nước, huyện đã vận động, tuyên truyền. Đến nay đã có 3 hộ thực hiện, những hộ còn lại cũng có cam kết lộ trình xóa bỏ tàu thuyền để lên bờ, an cư lạc nghiệp" - ông Biện thông tin.

Tại buổi lễ khánh thành và bàn giao nhà cho 28 hộ dân, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thiệu Hóa đã chủ động, linh hoạt và có những cách làm sáng tạo để đưa người dân lên bờ ổn định cuộc sống. Đồng thời, ông đề nghị chính quyền địa phương cần tập trung chuyển đổi nghề, tham gia lao động việc làm tại các doanh nghiệp, tăng gia sản xuất, chăm lo học hành cho con em; sớm ổn định cuộc sống.

Đưa dân lên bờ trong năm 2023, ổn định cuộc sống

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh còn 240 hộ dân sống trên sông chưa được cấp đất ở, 273 hộ chưa được hỗ trợ tiền xây nhà ổn định cuộc sống. Xuất phát từ thực tiễn đó, tháng 3-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm trong 2 năm 2022 và 2023 phải đưa toàn bộ dân sông nước lên bờ ổn định cuộc sống.

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok