Mấy ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1963) lúc nào cũng "vui như Tết". Ngôi nhà rộng 105m2 của gia đình ông tại khu tái định cư Thiệu Vũ cơ bản đã xong phần móng. Thấy có khách đến, ông hớn hở khoe: “Vài chục ngày nữa là có nhà mới đấy chú ạ. Mừng lắm. Vợ chồng, con cái không phải sinh hoạt chật chội trên chiếc thuyền lênh đênh sông Mã nữa rồi”.
Cuộc sống lênh đênh sông nước bấp bênh, thiếu an toàn của người dân chài Thiệu Vũ |
Vợ chồng ông Thông có 3 người con trai, 2 cậu đã lập gia đình còn con trai út đang làm công nhân tận Hải Phòng. Thường ngày hai vợ chồng ông phải vất vả mưu sinh đánh bắt cá dọc bờ sông Mã. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chỉ khi nào có bão lớn mới phải lên bờ xin tá túc nhà người quen hoặc trú ở nhà canh giữ đê.
Gia đình ông Thông là 1 trong 28 hộ thuộc chương trình xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông. Sau gần 1 năm triển khai, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và nhà thầu thi công, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu định cư cho đồng bào sinh sống trên sông đã cơ bản hoàn thành. 28 hộ đủ điều kiện cấp đất và hỗ trợ làm nhà theo quy định được bàn giao mặt bằng, mỗi hộ có diện tích từ 108m2 đến hơn 153,2m2 (tùy từng vị trí theo quy hoạch), với tổng diện tích được giao 3.791m2.
Không gian trên thuyền chật hẹp, bất tiện, trẻ em bị đứt quãng học hành |
Cách nhà ông Thông vài nhà, hộ ông Nguyễn Văn Do (sinh năm 1975) cũng đang tất bật lấy xi măng, gạch để xây dựng nhà mới. Gia đình ông Do có 2 vợ chồng, 2 người con và mẹ già. Do đông khẩu hơn nên hộ gia đình ông được bắt thăm trước lô đất rộng 150m2. Một đời lênh đênh trên sông nước, có được khu đất và được hỗ trợ làm nhà nên ông Do vui không ngủ được.
“Từ hôm nhận đất, nhận tiền hỗ trợ và khởi công, ngày nào tôi cũng ở lán trông coi. Được cùng thợ cắt sắt, đổ bê tông, đặt những viên gạch cho ngôi nhà thành hình hài, vui lắm. Cả một đời vất vả, giờ được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện sinh sống trên bờ thì quá tốt. Gia đình tôi có thời gian, cơ hội để phụng dưỡng mẹ già; con cái có công ăn việc làm ổn định. Rồi các cháu cũng được tới trường học hành bài bản chứ không như mình chữ biết chữ không. Hôm sau xong nhà mời các chú tới chơi, uống rượu mừng".
Những ngôi nhà mới đang dần thành hình trên khu tái định cư Thiệu Vũ |
Trao đổi với PV, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Vũ Nguyễn Thị Thu cho biết: Đây là chương trình hết sức ý nghĩa, có tính nhân văn sâu sắc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong việc chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát và thực hiện cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông, trong đó có bà con của Thiệu Vũ.
Toàn xã có 28 hộ (hơn 140 nhân khẩu) sinh sống trên sông đủ điều kiện để hỗ trợ đất, nhà ở trên bờ. Huyện Thiệu Hóa cùng với xã Thiệu Vũ tiến hành lựa chọn khu đất để làm mặt bằng tái định cư. Sau nhiều cuộc họp thì phương án tổ chức bắt thăm theo thứ tự ưu tiên (hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công), số hộ có số khẩu đông thì bắt thăm trước.
Ông Nguyễn Văn Do phấn khởi khi có đất và hỗ trợ làm nhà trên bờ để phụng dưỡng mẹ già, nuôi con |
Quá trình bắt thăm các hộ đều đồng thuận cao. Tổng số tiền hỗ trợ 150 triệu (tỉnh 50 triệu, Caritas Thanh Hóa 50 triệu, huyện Thiệu Hóa 50 triệu). Các hộ thống nhất làm nhà theo mẫu đã được chọn (kinh phí hoàn thiện gần 200 triệu/ hộ).
Về sinh kế, cùng với việc phối hợp giải phóng mặt bằng, qua tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu việc làm sau khi lên bờ. Hiện có hơn 30 người đăng ký được đào tạo nghề, giải quyết việc làm (từ 18-50 tuổi). Các hộ chủ yếu đăng ký nghề may mặc. Trên địa bàn xã Thiệu Vũ có 3 công ty may (gần 100- 300 công nhân/nhà máy) đã được liên hệ để tạo điều kiện cho người dân vào làm công nhân.
Lên bờ ổn định đời sống sẽ giúp trẻ em được đến trường theo đuổi giấc mơ học hành |
Ngoài ra có một số nghề như mây, tre đan; làm tóc giả cũng được giới thiệu để người dân lựa chọn. Khu tái định cư cách chợ Thiệu Vũ không xa, một số chị em có thể thuê lại vị trí để vào buôn bán, kinh doanh. Hiện quỹ đất 5% của xã vẫn đang còn, nếu các hộ có nhu cầu thì sẽ bố trí đất canh tác phù hợp.
Khoảng cách từ khu tái định cư tới trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bán kính chưa đầy 1 km nên các em lớn có thể đi bộ, xe đạp, mà không cần phải có bố mẹ đưa đón. Các em khi vào trường học sẽ được miễn, giảm toàn bộ học phí. Thầy, cô giáo và các bạn quan tâm, bồi dưỡng thêm kiến thức để học sinh theo kịp chương trình.
Mẫu nhà mơ ước được người dân Thiệu Vũ lựa chọn để đồng loạt xây dựng |
Kể từ khi các hộ khởi công xây dựng nhà, anh Lê Tiến Tuấn, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Thiệu Vũ được phân công thường xuyên có mặt tại mặt bằng để hỗ trợ người dân. Hiện có 10 hộ đã đào, làm xong phần móng. Sang tuần, 18 hộ còn lại cũng đồng loạt động thổ.
“Xã rất kỳ công trong việc xây dựng nhà cho các hộ. Lãnh đạo chủ động mời, giới thiệu các tổ thợ cho người dân, đại lý vật liệu xây dựng (công khai, minh bạch về giá). Từ đó các hộ chủ động thuê thợ, nguồn cấp vật liệu. Đến lúc thi công có thời điểm thiếu cát, gạch, xi măng rồi gọi máy múc, các hộ không xoay được thì lại nhờ tôi gọi. Phần điện, nước thì đủ cho thợ thi công. Vào buổi tối thì Công an xã thường xuyên ra công trường để hỗ trợ người dân trông coi vật liệu, sắt thép. Cho đến nay chưa có mất mát gì nên người dân yên tâm, phấn khởi", anh Tuấn chia sẻ.
Ngay gần khu tái định cư các hộ đang làm nhà, một khu vực ươm cây hoa cũng đã được chính quyền địa phương triển khai. Khi đơn vị thi công hạ tầng thảm nhựa, trồng cây xanh, lát vỉa hè cũng là lúc đường hoa được triển khai. Tuyến đường này sẽ được đặt tên, đánh số nhà như ở các khu vực thành phố. Dự kiến ngày 30/6 tới, toàn bộ 28 hộ dân sẽ được vào ở trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, ổn định đời sống.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 324 hộ đồng bào sinh sống trên sông cần được hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng nhà ở tại TP Thanh Hóa và các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Trong đó, có 308 hộ là đồng bào Công giáo, 53 hộ đã được cấp đất nhưng chưa có điều kiện làm nhà ở, 271 hộ chưa có cả đất ở và nhà ở.
Đời sống của các hộ đồng bào sinh sống trên sông còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các hộ nghèo, thu nhập thấp; cuộc sống trên sông không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ cao rủi ro về tính mạng và tài sản. Các địa phương cần quyết tâm hơn nữa việc hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư để ổn định cuộc sống. Trong đó TP Thanh Hóa chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành.
Trong hành trình đi đến thịnh vượng, Thanh Hóa quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Không còn hộ dân phải sống lênh đênh sông nước, ở trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét cũng như xóa đói giảm nghèo cho các đồng bào dân dộc miền núi là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: congly.vn