Dù tiền đã đóng, nhà không còn nhưng hơn trăm hộ dân tại mặt bằng TĐC 2 xã Quảng Thịnh và Đông Tân (TP Thanh Hóa) cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể “an cư”.
Lãnh đạo khi yêu cầu dân nhường đất đã hứa sau 3 tháng sẽ có mặt bằng với đầy đủ cơ sở hạ tầng cho bà con thế nhưng hơn nửa năm trôi qua, người dân Quảng Thịnh vẫn mòn mỏi chờ tái định cư.
Ghi nhận tại 2 mặt bằng này là những cây cột điện nằm chỏng chơ, hệ thống cống thoát nước dở dang. Xã Quảng Thịnh với hơn 100 hộ dân phải di dời để làm đường thuộc 3 thôn Gia Lộc, Thịnh Hùng, Tiến Thọ. Hiện những hộ dân này đang phải sống lay lắt trong những căn phòng trọ, lều dựng tạm. Cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, học hành của con cái bị ảnh hưởng...
|
Cơ sở hạ tầng ngổn ngang của hai mặt bằng TĐC trên địa bàn TP Thanh Hóa |
Bà Bùi Thị Tâm, thôn Gia Lộc cho biết: “Khi lấy đất của dân thì họ hứa những lời có cánh lắm, rằng chỉ sau 3 tháng là có mặt bằng với đầy đủ đường, điện, nước cho bà con thế mà hơn nửa năm rồi vẫn chưa thấy thay đổi gì. Khi dự án đi qua, căn nhà tôi bị lấy đi hơn 1 nửa, vì không biết bao giờ mới có mặt bằng để làm nhà nên vợ chồng tôi đã quyết định gia cố phần còn lại của căn nhà để ở tạm”.
“Đại gia đình tôi có 5 hộ thì cả 5 thuộc diện GPMB. Vì vậy, hơn nửa năm nay con, cháu trong gia đình đang phải đi ở nhờ hoặc thuê trọ để đợi mặt bằng TĐC hoàn chỉnh thì mới xây dựng nhà, nhưng đợi mãi vẫn không thấy điện, nước” - Ông Nguyễn Huy Bình, thôn Thịnh Hùng nói.
Chị Dư Thị Hiểu (thôn Thịnh Hùng, xã Quảng Thịnh, TP. Thanh Hóa) ngậm ngùi: “Gia đình dù chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, tuy nhiên cảnh thuê trọ nhiều bất cập, nhà cửa ẩm ướt, phòng trọ chật hẹp… thế là vợ chồng bàn nhau đánh liều ra mặt bằng TĐC dựng lều, đòi được đo đất, xây dựng.
Gia đình đòi mãi, cuối cùng họ cũng xuống đo đất phân lô. Được đo đất, nhưng để được xây dựng cũng không dễ. Mình đã được cấp sổ đỏ đâu, mình xây dựng cũng không phép. Ban đầu quy tắc đô thị cũng xuống cấm nhưng rồi sau họ cũng phải đồng ý, thông cảm cho gia đình”.
Cũng theo chị Hiểu thì đợt mưa lũ vừa rồi, do hạ tầng chưa hoàn thiện, nước ngập trắng băng. Hiện tại gia đình chị đang phải mua điện, mua nước trong khu dân cư gần mặt bằng. Nhiều hộ khác cũng muốn ra xây dựng nhưng do chưa đòi được các thủ tục cần thiết, trong đó quan trọng nhất là vị trí lô TĐC ở xa khu dân cư, muốn đấu nối mua điện, nước là rất khó.
Dân đã phải dựng tạm lều để ở trên chính mặt bằng TĐC |
Không riêng gì mặt bằng TĐC Quảng Thịnh, tại mặt bằng TĐC xã Đông Tân, TP. Thanh Hóa cũng chung thực trạng. Mặt bằng dở dang, dừng thi công, hơn 30 hộ dân đang phải lay lắt đi thuê trọ, mòn mỏi chờ mặt bằng dự án.
Ông Lê Khả Bằng, xóm Cộng, xã Đông Tân phải đi thuê nhà từ khi dự án về, ông bức xúc: “Thực hiện chủ trương giải tỏa để làm đường của thành phố, gia đình chấp hành bàn giao mặt bằng để họ thi công. Lúc họp dân triển khai dự án, thành phố hứa hẹn sẽ sớm hoàn thiện khu TĐC vào tháng 7/2017 để các hộ làm nhà. Nhưng hiện mặt bằng TĐC vẫn còn ngổn ngang, thời gian gần đây không thấy họ thi công nữa”.
Được biết, tại xã Quảng Thịnh có 2 mặt bằng TĐC, với tổng 197 lô, trong đó đã giao cho các hộ 85 lô. Tại mặt bằng TĐC xã Đông Tân có 172 lô, trong đó có 31 hộ đã đăng ký lấy đất.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh, cho biết: “Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC, nhà đầu tư đã triển khai chậm. Để bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân dân, xã cũng đã nhiều lần đề nghị với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cơ bản TP Thanh Hóa đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, cho đến nay, không hiểu lý do gì nhà thầu vẫn chưa thực hiện được đúng cam kết với bà con”.
Ông Lê ĐứcThao, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1, TP Thanh Hóa xác nhận hai mặt bằng TĐC trên chưa hoàn thiện về đường, điện, nước do dự án đang khó khăn về vốn.
“Nguồn vốn được lấy từ nguồn khai thác quỹ đất của các dự án. Bán đất cho dân được bao nhiêu tiền thì lấy nguồn đó quay về đầu tư hạ tầng, mặt bằng TĐC bấy nhiêu. Trước đây, khi dự án triển khai, do giá đất TĐC không thể nâng cao, nhằm tạo điều kiện cho người dân có đủ khả năng ra mua đất.
Vì vậy dự án đã phải cắt giảm một số hạng mục, với mục đích giá trị thửa đất có mức thấp nhất có thể. Cụ thể, một số hạng mục sẽ cắt giảm như: lát hè, trồng cây, san đất mặt bằng… Chúng tôi đang cố gắng đến cuối năm 2017 sẽ xong về hạ tầng cơ sở để người dân ra làm nhà, ổn định cuộc sống” – ông Thao nói.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí