Theo nhiều người dân xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, như thành thông lệ, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cói đồng thời cũng là “mùa đóng góp” đối với người dân nghèo. Một năm hai lần đóng góp, được UBND xã và thôn tiến hành thu lần lượt vào tháng 7, tháng 11.
Hàng năm cả xã và thôn “vẽ” ra gần 15 khoản phí, quỹ để vận động người dân đóng góp núp dưới bóng “tự nguyện”. Suốt gần chục năm qua, người dân luôn kêu trời vì "còng lưng" làm không đủ đóng quỹ.
Cụ thể, trong đợt thu vào tháng 7/2018, người dân thôn 4, xã Nga Thủy phải đóng 16 loại quỹ, phí. Trong đó, UBND xã thu 12 loại, được phân chia thành 2 quỹ: Quỹ theo quy định và quỹ đóng góp tự nguyện.
Các quỹ theo quy định bao gồm: Quỹ quốc phòng - an ninh, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phí vệ sinh môi trường 72.000 đồng/khẩu và đóng góp làm thủy lợi 50.000 đồng/lao động. Các quỹ đóng góp tự nguyện gồm: Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em và quỹ ngày vì người nghèo.
Còn lãnh đạo thôn 4 thu 7 khoản, như: quỹ làng 30.000 đồng/khẩu, quỹ trẻ thơ 30.000 đồng/khẩu, quỹ khuyến học, điện đường, thủy lợi nội đồng 30.000 đồng/sào, thu trả nợ đường bê tông 200.000 đồng/khẩu và hỗ trợ phòng chống thiên tai.
Hàng loạt khoản thu phí, quỹ của xã |
Một người dân ngụ tại thôn 4 cho biết, gia đình bà có 5 nhân khẩu, mỗi năm phải đóng trên 2 triệu đồng, nhiều hộ đông nhân khẩu khác phải đóng tới 3 hoặc 4 triệu đồng. “Gia đình tôi quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào cói, mà tiền bán cói cũng không đủ đóng góp nên phải đi vay mượn mới đủ tiền để đóng cho cả xã, thôn và hợp tác xã”, người dân này than thở.
Theo tìm hiểu của PV Báo Công lý, có nhiều loại quỹ giống nhau, xã đã tiến hành thu, thôn vẫn tiếp tục thu. Cụ thể như quỹ khuyến học, UBND xã đã tiến hành thu 15.000 đồng/lao động, cán bộ thôn còn thu thêm 15.000 đồng/hộ; quỹ phòng chống thiên tai, xã thu 15.000 đồng/lao động, thôn thu thêm 10.000 đồng/hộ.
Càng bức xúc hơn, nếu không đóng các loại quỹ do xã, thôn và hợp tác xã đưa ra, khi người dân cần chứng thực các loại giấy tờ thì UBND xã không đồng ý. Bởi vậy dù khó khăn đến đâu, người dân cũng phải vay mượn để đóng góp đầy đủ. “Mỗi lần ra xã xin đóng dấu hay chứng thực giấy tờ gì, họ đều kiểm tra xem gia đình đã đóng các loại quỹ, phí chưa. Nếu chưa đóng thì họ sẽ không chứng thực”, một người dân ở xã Nga Thủy bức xúc nói.
Thêm vào đó, hộ dân nào ở thôn 4 nợ đọng tiền đóng góp làm đường giao thông của thôn sẽ bị tính lãi suất 1,5%/tháng.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nga Thủy khẳng định, tất cả các khoản đóng góp của xã, thôn đều được đưa ra trong các hội nghị họp dân cho người dân bàn bạc, thống nhất, sau đó mới tiến hành thu.
Về việc xã quy định phải đóng phí vệ sinh môi trường và đóng góp làm thủy lợi, ông Hưng thừa nhận là sai do cán bộ xã in nhầm mục. “Đây là khoản đóng góp thỏa thuận, tự nguyện, tôi cũng vừa mới phát hiện ra cán bộ in sai”, ông Hưng cho biết.
Liên quan đến các khoản thu tự nguyện nhưng lại “ép” đóng, ông Hưng cho hay: “Các khoản quỹ tự nguyện không ép, đây là do các tổ chức xã hội đặc thù xin chủ trương và dự kiến mức thu”. Còn về một số khoản quỹ trùng lặp giữa xã và thôn, ông Hưng cho rằng xã, thôn chi các hoạt động khác nhau. Cụ thể, quỹ khuyến học xã do Hội Khuyến học xã quản lý, phục vụ cho giáo viên và học sinh toàn xã, quỹ khuyến học thôn thì phục vụ cho con em ở thôn. Riêng quỹ đóng góp thủy lợi, xã thu để đảm bảo cho các kênh lớn, còn thôn thì đảm bảo cho các kênh nhỏ và khơi thông dòng chảy.
Những năm trở lại đây, trước những thông tin báo chí phản ánh về tình trạng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu hàng loạt khoản phí, quỹ vô lý, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra nhiều văn bản yêu cầu các xã, phường, thị trấn rà soát, bãi bỏ ngay các khoản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định hiện hành. Thế nhưng hiện nay, chính quyền xã Nga Thủy vẫn làm ngơ, cố tình thu sai quy định.
Tác giả: Tùng Anh
Nguồn tin: Báo Công lý