Ngày 31-7, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử ngày thứ 7 vụ xử bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) cùng 45 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"
Trong phiên xử này, các luật sư bào chữa đã biện hộ cho thân chủ sau khi đại diện VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với 46 bị cáo.
Các bị cáo tại tòa |
Luật sư giữ nguyên quan điểm bào chữa cho ông Trầm Bê trong phiên tòa hồi tháng 1-2018. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên quyền sử dụng đất tại đường Hồng Bàng (quận 5, TP HCM) vì đây là tài sản chung của vợ chồng Trầm Bê.
Ngoài ra, luật sư đề nghị HĐXX xem xét ông Trầm Bê có thời gian dài cống hiến cho ngành ngân hàng, lần đầu phạm tội, có nhân thân tốt, chỗ ở rõ ràng. Đặc biệt, theo luật sư, hiện nay ông Trầm Bê mang nhiều chứng bệnh nên không cần cách ly ra khỏi đời sống xã hội.
Ông Trầm Bê nói mình chỉ nhận thức không tới |
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê biện hộ: "Hiểu biết của tôi nó hơi đơn giản. Tôi làm ngân hàng đã 38 năm, chưa bao giờ xảy ra việc sai trái, dù nhỏ nhất. Cái sai này là do hiểu biết chưa đến, còn tôi đã khai báo rất rõ ràng để phối hợp với cơ quan điều tra. Đối với cơ quan ngân hàng, có sự bảo lãnh để cho vay là đúng chứ nói cố ý thì tôi không cố ý làm trái. VKS luận tội tôi sai thì tôi không dám phản biện nhưng mong HĐXX xem xét để tôi sớm hòa nhập xã hội".
Phân trần lời khai trong phiên tòa xét xử hồi tháng 1-2018 khi bị cáo Trầm Bê nói rằng không phục cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao, bị cáo xin "cải chính" lời khai này.
Bị cáo Trầm Bê trình bày: "Lần trước tôi nói không phục cáo trạng, tôi xin giải thích thêm là không phải tôi không phục cơ quan điều tra, VKS và tòa án mà là ông Phạm Công Danh vay tiền có tài sản thế chấp, trong phạm vi giải quyết thì tôi đồng ý cho vay; chứ tôi không móc nối với ông Danh để trục lợi cho bản thân. Tiền cho vay là tiền của nhân dân chứ không phải tiền của cá nhân tôi nên tôi mong HĐXX xem xét cho tôi điều này. Còn việc đánh đổi sự hiểu biết để dẫn đến sai trái thì tôi xin chấp nhận".
Bản thân bị cáo Trầm Bê cũng mong tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ để sớm được trở về với gia đình, cống hiến cho xã hội.
Trong phiên tòa ngày 30-7, đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị TAND tuyên phạt bị cáo Trầm Bê mức án từ 4 đến 5 năm tù; Phạm Công Danh 20 năm tù; các bị cáo còn lại từ 3 năm cải tạo không giam giữ đến 14 năm tù.
Không hề thiên vị! Trong phiên tòa tháng 1-2018, bị cáo Trầm Bê từng thắc mắc rằng lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng cho vay giống như ông nhưng tại sao chỉ mình ông bị xử lý trách nhiệm hình sự. Về vấn đề này, VKSND Tối cao cho rằng ông Trầm Bê đã bàn bạc, thống nhất cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng. Khi cho vay, ông Bê biết rõ ông Danh là Chủ tịch VNCB và là đối tượng không được phép dùng tiền của chính VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình. Ông Bê đã giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh vay tiền sử dụng và gây thiệt hại trực tiếp cho VNCB nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Về việc tại sao không xử lý lãnh đạo TPBank và BIDV, VKSND Tối cao lý giải rằng lãnh đạo TPBank đã bị truy cứu là ông Đinh Việt Cường và bà Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank). Riêng dàn lãnh đạo ngân hàng BIDV này có sai phạm nhưng không đủ căn cứ đồng phạm với ông Phạm Công Danh nên đề nghị tòa xem xét trong quá trình xét xử. |
Tác giả: Phạm Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động