Cây cổ thụ được chặt phá bị bắt giữ |
Như PL&XH đã thông tin trước đó qua bài viết "Lạ kỳ chuyện cây cổ thụ không biết từ đâu ra" ở số báo trước đó. Nội dung bài viết đưa tin việc người dân chở cây cổ thụ đi từ xã Thanh Tân, huyện Như Thanh ra quốc lộ thì bị lực lượng Kiểm lâm huyện Như Thanh phát hiện bắt giữ vào lúc 19 giờ, ngày 27-11.
Cây cổ thụ được xác định khoảng gần 70 năm tuổi, có đường vanh trên 200cm, dài trên 10m, tách ra làm ba nhánh được khai thác từ thôn Tiền Tiến, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh thuộc khu rừng tự nhiên tái sinh.
Vào năm 1997, ông Hà Văn Lý (ở cùng địa chỉ trên) được Nhà nước giao 90.00m2 đất lâm nghiệp. Theo nhiều hộ dân trong thôn cho biết, gia đình ông Lý chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa trồng keo, xoan hoặc bất cứ cây trồng nào trên diện tích 90.000m2 đất nói trên.
Phá rừng tự nhiên tái sinh để làm đường vào vận chuyển gỗ |
"Cùng lắm là có một vài cây xoan tự mọc trên đất rừng, chứ nói ông Lý trồng cây, chăm cây thì ông ấy có quyền đào đi bán thì không phải. Đó là cái cớ để hợp thức hóa cho việc phá rừng mà thôi. Tôi dám khẳng định ông Lý chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì làm gì được khai thác cây, chứ chưa nói đến việc trồng cây"- một người dân cùng thôn cho biết.
Nhánh của một cây gỗ Làng Sang còn sót lại hiện trường |
Nhưng lạ thay, ngày 15-11-2017, ông Hà Văn Lý có đơn xin khai thác cây (đúng hơn là khai thác rừng) gửi UBND xã Thanh Tân để vận chuyển bán đi nơi khác. Ông Phạm Huy Tuân, phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân đã bút phê "đồng ý cho hộ ông Lý khai thác" cây sanh nói trên, cùng nhiều loại cây có giá trị khác trong diện tích rừng tự nhiên tái sinh mà ông Lý được Nhà nước giao quản lý.
Thay vì hướng dẫn, kiểm tra các hồ sơ pháp lý, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương trong việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, ông Nguyễn Minh Hào, Trạm Kiểm lâm Thanh Tân, Như Thanh đã để ông Lý cho người đưa phương tiện, máy móc vào để phá rừng, khai thác cây.
"Đáng lẽ ông Hào là Kiểm lâm địa bàn, ông ấy phải tham mưu cho cấp ủy trong việc khai thác cây như vậy đúng hay là sai? Nếu chưa đủ hồ sơ thủ tục thì chưa cho khai thác, đằng này lại để người dân phá rừng, đưa lâm sản lên xe chở đi thì phía Hạt kiểm lâm lại vào bắt giữ là thế nào? Rừng keo nhà bà Hà Thị Quê bên phải, rừng nhà ông Thược bê trái là trồng keo, còn rừng nhà ông Lý là chuyển đổi đâu mà bảo trồng keo, trồng cây để hưởng lợi"- nhiều người dân phản ánh.
Sáng ngày 30-11, ông Lê Thanh Ngợi, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết, phía đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh trên báo PL&XH về vụ việc hộ gia đình ông Hà Văn Lý khai thác lâm sản như báo phản ánh. Hiện tại phía đơn vị vẫn đang cho xác minh lại để xử lý, sẽ thông tin vụ việc sau tới PV.
Ông Ngợi cho biết thêm, hiện tại phía đơn vị cũng yêu cầu gia đình ông Lý phải san lấp lại diện tích đất rừng mà ông Lý đã đưa máy móc vào để đào, bới. "Còn một cây sanh cổ thụ như đã nói thì hộ ông Lý bán được 5 triệu đồng chứ mấy, việc làm này được thôn, xã xác nhận nên ông ấy được khai thác. Cây đó nằm trong diện tích rừng sản xuất của ông gia đình ông Lý"- ông Ngợi cho biết thêm.
Một cây gỗ lớn bị đào lên chưa được vận chuyển đi |
Dù khẳng định với PV là hộ gia đình ông Hà Văn Lý đã phá rừng tự nhiên tái sinh, biện pháp khắc phục là lấp đất, trồng lại cây. Tuy nhiên, ông Ngợi vẫn tỏ vẻ ngơ ngác khi PV đưa hình ảnh đề cập về nhiều loại cây gỗ quý, hiếm hiện tại ở vị trí trên đã bị khai thác đưa đi nơi khác tiêu thụ. Ông Ngợi thông tin sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay chiều nay (30-11).
Cây Sang Lẻ cách Trạm KL Thanh Tân 500m bị đào bới để lấy đi nhưng lãnh đạo Hạt và Trạm không hề hay biết |
Tuy nhiên, vào lúc 15 giờ cùng ngày (30-11), sau nhiều ngày bắt giữ, phía Kiểm lâm Như Thanh đã thả xe ô tô BKS 36C- 127.67 cùng cây sanh trên đi về phía huyện Nông Cống.
Vì cây trên quá to, cồng kềnh được đặt trên thùng xe cẩu đã gây cản trở giao thông nên xe ô tô BKS 36C- 127.67 bị Đội CSGT số 2 của Phòng CSGT CA tỉnh Thanh Hóa phát hiện, đưa về bãi tạm giữ phương tiện của bến xe phía Bắc, thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa tạm giữ.
Theo quy định, ngoài việc xử lý phương tiện trên, phía CSGT buộc chủ phương tiện phải sang tải hoặc hạ tải lâm sản trên. Nhưng không hiểu lẽ gì, chỉ được ít giờ sau khi bị bắt giữ, xe ô tô biển kiểm soát nói trên cùng cây cổ thụ to cồng kềnh đã vô tư rời khỏi bãi tạm giữ phương tiện vào lúc 20 giờ 30 phút cùng ngày (30-11) và được bỏ xuống tại khuôn viên khu nhà làm việc của Đội quản lý thị trường số 16, thuộc phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa.
Trong khi Thủ tướng đang chỉ đạo kiên quyết việc đóng cửa rừng để cứu rừng thì phía UBND xã Thanh Tân lại đồng ý để dân mở cửa rừng là lẽ gì?
PV Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: Trần Đại - Huy Tuấn
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội