Thế giới

Cuộc đời bị dày vò bởi cơn đói của chàng trai cuồng ăn

Ăn hàng chục kg thực phẩm trong một ngày, Tarrare (Pháp) luôn bị hành hạ bởi cơn đói và sẵn sàng xơi mọi thứ để thỏa mãn bản thân.

Mèo chưa bao giờ xuất hiện trên những ấn phẩm ẩm thực hay từ điển Larousse của Pháp. Thế nhưng, với chàng trai Tarrare, đây lại là một món khoái khẩu. Vì chứng bệnh cuồng ăn không giới hạn, anh đã trở thành chủ đề bàn luận suốt từ thế kỷ 18 tới ngày nay.

Theo BBC, Tarrare sinh năm 1772 tại Lyon (Pháp) và sớm nổi tiếng nhờ thói quen ăn uống vô độ. Bề ngoài chàng trai tương đối thon thả, ngoại trừ cái miệng lớn, những chiếc răng ố vàng cùng phần da bụng chảy xệ, co giãn đến mức có thể quấn quanh eo khi đói. Tarrare tỏa ra mùi khó chịu và liên tục đổ mồ hôi khiến không ai dám tới gần quá 20 bước.

Ở tuổi 17, Tarrare ăn hết lượng thực phẩm nặng bằng cơ thể 45 kg của mình chỉ trong một ngày. Không nuôi nổi con, bố mẹ quyết định đuổi cậu thiếu niên khỏi nhà. Tarrare chu du khắp nước Pháp với một nhóm gồm cướp, gái điếm, kẻ lang thang rồi chuyển sang làm trợ lý cho một thầy thuốc lang băm chuyên chữa bệnh bằng đá và động vật. Năm 1788, Tarrare đến Paris, kiếm sống bằng nghề biểu diễn màn nuốt táo, nút chai, đá cùng nhiều vật khác trên đường phố. Công việc khiến anh bị tắc ruột cấp tính đến mức nhập viện.

Cách mạng nổ ra, Tarrare nhập ngũ. Khẩu phần quân đội hiển nhiên không thể đáp ứng nhu cầu ăn của anh. Một thời gian ngắn sau, chàng lính trẻ đã phải chuyển tới Bệnh viện Soultz vì kiệt sức.

Tại cơ sơ y tế, dù bữa ăn nhiều lên gấp 4, anh vẫn không thỏa mãn. Ngạc nhiên trước trường hợp kỳ lạ, bác sĩ M. Courville và Pierre-François Percy vô cùng nổi tiếng thời kỳ đó quyết định giữ Tarrare lại bệnh viện để nghiên cứu. Từ đó, bệnh nhân hưởng bữa cơm dành cho 15 công nhân với hai chiếc bánh nhân thịt khổng lồ cùng 4 lít sữa. Tarrare còn ăn cả mèo, chó, thằn lằn, rắn.

Ảnh minh họa: anomalien.com.


Vài tháng trôi qua, quân đội đề nghị Tarrare quay lại phục vụ nhưng đội ngũ y tế từ chối trao trả đối tượng thí nghiệm hấp dẫn. Courville liền nảy ra ý định kết hợp mục đích quân sự và mục đích nghiên cứu bằng cách đề nghị chàng trai nuốt một hộp gỗ chứa tài liệu mật. 2 ngày sau, Tarrare ra khỏi nhà vệ sinh với chiếc hộp cùng tập tài liệu vẫn ở điều kiện tốt. Thí nghiệm tương tự được lặp lại tại trụ sở quân đội Pháp trên sông Rhine biến Tarrare trở thành điệp viên. Đáng tiếc, mọi kỳ vọng đều bị cái dạ dày của Tarrare xóa tan. Báo cáo trên tờ The London Medical and Physical cho biết người đàn ông trẻ tuổi “gần như không có sức mạnh hay lý tưởng”. Anh bị quân Phổ bắt ngay nhiệm vụ đầu tiên và nhanh chóng khai ra hết.

May mắn trốn thoát, Tarrare trở về cầu xin bác sĩ Percy chữa trị. Không may, mọi phương thuốc Percy sử dụng, từ thuốc phiện, rượu chua đến thuốc lá hay trứng luộc đều vô hiệu. Cơn đói dày vò khiến Tarrare trốn viện, lén lấy đồ của các cửa hàng thịt, tranh giành thức ăn thừa với đám trẻ bụi đời cùng lũ chó mèo hoang. Anh thậm chí còn uống máu bệnh nhân khác và từng nhiều lần bị đuổi khỏi nhà xác bệnh viện vì ý đồ ăn tử thi.

Nhiều bác sĩ đòi tống Tarrare vào trại thương điên song Percy kiên quyết bảo vệ bệnh nhân. Đến ngày kia, một em bé sơ sinh đột nhiên biến mất. Tarrare bị nghi ngờ và cuối cùng rời đi trước sự tức giận của toàn bộ nhân viên bệnh viện.

Suốt 4 năm tiếp theo, không ai rõ Tarrare ở đâu. Đầu năm 1798, anh đột nhiên xuất hiện tại Bệnh viện Versailles, yếu đến mức không thể ngồi dậy. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc bệnh lao. Ít lâu sau, Tarrare bị tiêu chảy trầm trọng rồi qua đời. Khám nghiệm tử thi người đàn ông, các chuyên gia phát hiện mủ khắp nội tạng, thực quản rộng bất thường, gan cùng túi mật quá khổ và dạ dày đầy những ung nhọt.

Nguyên nhân dẫn đến chứng ăn vô độ của Tarrare chưa bao giờ được xác định. Ngày nay, giới y học nhận định nhiều khả năng anh gặp chứng cường giáp. Không phải ca cuồng ăn duy nhất được ghi nhận, chàng trai vẫn là ca bệnh kỳ lạ, rùng rợn khiến người ta đặt nhiều dấu hỏi. Như bác sĩ Percy viết trong hồi ký: “Hãy tưởng tượng một con thú hoang, bẩn thỉu và đói khát, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống. Như thế, bạn sẽ hình dung ra một phần về Tarrare”.

Tác giả bài viết: Minh Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok