Anh Nguyễn Văn Sáng - thành viên trên tàu VTB 26 được đưa lên bờ an toàn. |
Nghệ An còn ba nạn nhân mất tích trên biển
Trong cơn bão số 2 người dân Nghệ An chứng kiến những trận gió gào rít kinh hoàng trong đêm về sáng ngày 17/7. Trước đó, lúc 21h toàn TP.Vinh bị mất điện, gió cấp 9, giật trên cấp 10.
Sáng ra, đường xá TP.Vinh ngổn ngang hàng loạt cây xanh bị bật gốc, gãy cành đổ ngả nghiêng trên phố. Một số mái nhà dân bị tốc mái, các biển quảng cáo bị xé xơ xác. Một vụ tai nạn xảy lúc rạng sáng cùng ngày do chiếc tàu vận tải VTB 26 chở 4.700 tấn than cùng 12 thành viên và một hành khách bị bão quật chìm tại vùng biển gần đảo Ngư, cách thị xã biển Cửa Lò 5 hải lí.
Cho đến cuối ngày, các lực lượng chức năng của TP.Vinh vẫn chưa thể xử lí xong những điểm ách tắc giao thông do cấy cối đổ rạp. Nhiều hộ dân vẫn chưa có điện thắp sáng do dây điện bị cây đổ làm đứt, chưa kịp khắc phục.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, hiện một số xã miền núi ở huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Hợp đang bị chia cắt cục bộ do hoàn lưu cơn bão gây mưa lớn. Chính quyền các địa phương đang theo sát mọi diễn biến để ứng cứu lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân. Thiệt hại đáng quan tâm khác là một người dân ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai bị thiệt mạng do mái tôn sập, đè lên người. Nghệ An có 3.616 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 6.130 ha lúa và 8.311 ha rau màu bị ngập. 2.571 cột điện bị gãy đổ. Riêng vụ chìm tàu tính đến thời điểm cuối ngày17/7, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh đã cứu sống 7 người, vớt được 3 thi thể.
Cây đổ ngổn ngang trên đường TP Vinh. |
Theo ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện còn 3 người mất tích. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và cơ quan chức năng tiếp tục túc trực 24/24h để có thể tìm kiếm sớm nhất các nạn nhân xấu số. Ông Hồng cho biết thêm, ngay trong chiều cùng ngày lực lượng tìm kiếm đã mở rộng phạm vi tìm kiếm sang cả vùng biển Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Điều đáng quan tâm sau bão là mực nước thượng nguồn trên sông Cả, sông Hiếu đang lên nhanh. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch cụ thể để các cơ quan, ban nghành theo dõi sát sao để có biện pháp xử lí trong mọi tình huống.
Quyết liệt để du khách không xuống biển tắm
Ghi nhận tại bãi biển Cửa Lò, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), nhiều kiot, khu vui chơi bị thiệt hại nặng nề, tan hoang sau khi cơn bão đi qua. Nhiều khu vui chơi mặt biển bị ngập chìm do không có hệ thống thoát nước. Hiện người dân đang lo ngại mưa to có thể kéo đến trong hoàn lưu sau bão. Công việc khắc phục, dọn dẹp hiện trường sau bão đang được tiến hành khẩn trương trong chiều cùng ngày.
Theo UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An), cơn bão số 2 đã khiến 20/360 kiot bán hàng ven biển cùng 45 nhà dân bị tốc mái, cây xanh trên địa bàn thị xã và ven bờ biển đổ rất nhiều. Hiện cơ quan chức năng đang tập trung cưa, chặt cây xanh để giải tỏa, khắc phục hậu quả sau bão.
Một công việc mà trước bão chính quyền và lực lượng chức năng tại bãi biển Cửa Lò đã phải “căng như dây đàn” khi thực hiện là ngăn du khách xuống biển tắm thì bây giờ vẫn phải canh cánh túc trực cảnh báo. Theo tìm hiểu thông tin, rất nhiều đoàn khách ở xa đến vẫn ở lại Cửa Lò với mong muốn được tắm biển đang khiến cơ quan chức năng lo lắng.
Lực lượng quân đội, công an giúp dân giải tỏa những con đường sau bão. |
Thông tin từ thị xã Cửa Lò cho biết, do ảnh hưởng của bão, hiện bãi biển vẫn đang có sóng to gió lớn. Lực lượng chức năng vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả và tuyên truyền du khách không được xuống biển tắm vào lúc này. Lo lắng lớn nhất của chính quyền là sợ du khách lại liều lĩnh xuống tắm bất chấp cảnh báo. Dự kiến sau 2 ngày khi sóng và gió nhẹ hơn thì biển mới được tắm trở lại.
Mặc dù vậy, đáng buồn là theo xác nhận của ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò thì bãi biển vẫn có du khách xuống tắm. UBND thị xã đã phải cử lực lượng an ninh, cứu hộ ra bờ biển kêu gọi, cảnh báo người dân không được tắm khi biển đang động.
Bạn Hoàng Mai Phương, đến từ Lạng Sơn đang có mặt ở bãi biển Cửa Lò bày tỏ: “Tôi thấy mình quá đen đủi vì đến đây vào đúng ngày gặp bão. Hôm qua đi tắm thì bị hối lên bờ, tour chỉ có 3 ngày mà đã hai ngày trôi qua vẫn chưa được tắm biển. Ngày mai vẫn chưa được tắm vì chúng tôi đã nghe loa phát thanh thông báo 2 ngày sau khi sóng nhẹ trở lại mới được xuống tắm, chuyến du lịch hiếm hoi mới có lần này coi như bỏ đi rồi”.
Dù là lý do yêu biển, lâu ngày không được tắm biển hay cả chuyến đi du lịch chỉ có tắm biển là tâm điểm nhưng không được toại nguyện thì cũng không thể phớt lờ cảnh báo của lực lượng chức năng gây mất an toàn cho chính mình và gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Thiết nghĩ, lực lượng chức năng cần phải cương quyết và có biện pháp cứng rắn hơn đối với những du khách “cố tình chống lệnh”. Mong muốn thành điểm đến thân thiện không có nghĩa chỉ kêu gọi, khuyến cáo khi du khách làm liều.
Tác giả: Vũ Đồng - Hiền Anh
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội