Bên cạnh Nga và Trung Quốc, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Moldova, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kì và Ukraina đều nằm trong nhóm bị phạt. Họ sở hữu ít nhất ba vận động viên dính doping từ Olympic 2008 và 2012, sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kiểm tra lại hàng trăm mẫu thử. IOC sử dụng những phương pháp mới để lật tẩy mánh khóe đã qua mặt họ những năm trước.
Đầu năm 2017, ba lực sĩ cử tạ Trung Quốc bị phát hiện nhiễm doping và bị yêu cầu trả lại huy chương đã thắng tại Olympic Bắc Kinh 2008. Cao Lei đoạt HC vàng hạng 75kg nữ. Chen Xiexia vô địch hạng 48kg nữ còn Liu Chunhong cũng thành công hạng 69 kg nữ.
Cao Lei đoạt HC vàng Olympic 2018 và bị phát hiện dương tính với doping. Ảnh: Reuters. |
IWF tuyên bố vào năm ngoái, rằng quốc gia nào có từ ba VĐV trở lên dính doping, sẽ bị cấm thi đấu một năm. “Chúng tôi thống nhất rằng doping trong thể thao là không thể chấp nhận được. Các nước thành viên của chúng tôi cần có trách nhiệm đảm bảo trong sạch trong nền thể thao của họ”, chủ tịch IWF Tamas Ajan tuyên bố.
Phản ứng án phạt, HLV tuyển cử tạ Nga Oleg Pissarevski nói: "Họ không có quyền phạt như vậy. Tại sao họ lại cố giết chết sự phát triển nền cử tạ ở nước chúng tôi? Chúng tôi đã thay đổi các lãnh đạo liên đoàn. Những người mắc tội đã bị thay thế. Chúng tôi tôn thủ đúng luật, thi hành 60 cuộc kiểm tra mỗi tuần. Các VĐV của chúng tôi đã chuẩn bị nghiêm túc và giờ thì họ rơi nước mắt".
Nga cũng từng bị cấm thi đấu cử tạ tại Olympic Rio 2016, do Ủy ban phòng chống doping thế giới (WADA) phát hiện nạn doping do nhà nước bảo trợ ở nước này.
Tác giả: Xuân Bình
Nguồn tin: Báo VnExpress