Xã hội

Cấm mặc quần jean, áo thun đi làm: Chiếc áo có làm nên 'thầy tu'?

Nhiều người ở Cần Thơ cho rằng cán bộ công chức không nên mặc quần jean, áo thun tại công sở. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu".

Trò chuyện với Zing.vn, tài xế ôtô khách Nguyễn Ngọc Toàn, ở đường Phạm Ngũ Lão (TP Cần Thơ), cho biết mỗi lần đi đăng kiểm xe, anh hay thấy nhân viên kiểm định ở các trung tâm mặc quần jean hoặc áo thun. Theo anh Toàn, mặc đồ như vậy là không chỉnh tề và nếu trung tâm đăng kiểm của Nhà nước thì cán bộ phải mặc quần tây, áo sơ mi ngắn hay dài tay đều lịch sự.

Tài xế Nguyễn Ngọc Toàn. Ảnh: Việt Tường.

"Cánh tài xế cũng mặc quần jean, áo thun và cán bộ cũng mặc như vậy thì không phân biệt được ai là tài xế. Không riêng gì cán bộ công chức, tài xế taxi cũng đồng phục quần tây, áo sơ mi. Tài xế cũng không thể 'lè phè' được vì mình còn phải ăn mặc chỉnh tề để khách đi xe an tâm", tài xế 42 tuổi nêu quan điểm.

Tạo hình ảnh đẹp

Cùng quan điểm với tài xế Toàn, anh Nguyễn Hải Thoại (Giám đốc một chi nhánh của công ty xổ số ở Cần Thơ) chia sẻ quan điểm rằng, quần jean và áo thun chỉ thích hợp đi du lịch, dã ngoại, không phù hợp với môi trường công sở. Tuy nhiên, anh này cho rằng nếu cán bộ công chức không làm việc hay tiếp dân tại cơ quan mà đi thị sát, vi hành, xuống cơ sở để xem đường xá, cầu cống thì có thể mặc quần áo tự do, dù đang thực thi công vụ.

"Đi thực tế, có khi cán bộ phải lội ruộng mà mặc quần tây, áo sơ mi dài tay bỏ vào quần thì cũng không phù hợp. Trong khi một số bạn trẻ vào cơ quan làm việc mặc quần jean có kiểu rách ở đùi theo phong cách 'te tua', một số thì xệ đáy, lộ rốn, hình ảnh phản cảm lắm", anh Thoại thẳng thắn góp ý.

Quần tây, áo sơ mi thường được giới nhân viên văn phòng, cán bộ công chức lựa chọn. Ảnh minh họa: Duy Nhất/Infonet.

Ngày 11/9, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết nếu cán bộ công chức mặc quần jean, áo thun khi thực thi nhiệm vụ thì chỉ bị nhắc nhở. Còn Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống thì nói: "Quy tắc đã ban hành thì thực hiện thôi, tôi không bàn nữa vì Cần Thơ còn nhiều việc phải làm".

Từng là cán bộ phường, chị Phan Thảo Vi (ở đường Ngô Quyền, TP Cần Thơ) kể khi gặp những công chức trẻ mặc quần jean, áo thun đi làm, chị Vi góp ý ngay. Người phụ nữ 37 tuổi này cho rằng quần jean, áo thun chỉ thích hợp đi chơi.

"Một số cơ quan có đồng phục riêng, phù hợp công sở. Anh mặc quần jean và áo thun để làm việc thì thấy tư cách cán bộ không đẹp. Theo tôi nghĩ thì cán bộ ăn mặc xuề xòa không chỉ làm dân không an tâm mà họ còn có cảm giác thiếu thiện cảm", chị Vi nói.

Theo luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức vừa được UBND TP Cần Thơ ban hành đang hướng tới sự hoàn thiện các trang phục công sở. Nhiều doanh nghiệp hay ngân hàng hiện nay có trang phục riêng và công chức cũng phải ăn mặc phù hợp nhằm tạo hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.

"Về luật thì UBND TP Cần Thơ ban hành quy tắc này đúng thẩm quyền. Cán bộ, công chức nên mặc quần áo trang nghiêm. Tôi nghĩ quy tắc này ban hành là tốt, vì cán bộ, công chức chỉ không mặc quần jean và áo thun trong 8 giờ làm việc tại cơ quan, hết giờ thì ăn mặc tự do", luật sư Thành nêu quan điểm.

Quần áo không phản ánh được thái độ phục vụ

Từng là cán bộ quản lý, ông Nguyễn Quốc Vững, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ, nói rằng từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cán bộ công chức đã học qua các nguyên tắc ứng xử. Vì vậy, Cần Thơ không cần phải ban hành quy tắc như để nhắc nhở cán bộ.

Ông Nguyễn Quốc Vững. Ảnh: Việt Tường.

"Tôi nghĩ không cần nhắc, thấy trẻ con quá. Trong ăn mặc mọi người đã biết làm sao cho đủ điều kiện để tự tin, năng động trong ứng xử, giao tiếp. Năng động ở đây là phù hợp trong mọi hoàn cảnh, chứ trường hợp nhân viên làm việc di chuyển nhiều, tiếp cận các công trình thì làm sao mặc quần tay áo sơ mi hay váy", vị cán bộ hưu trí chia sẻ.

Theo ông Vững, Cần Thơ còn nhiều chuyện để chính quyền phải làm hơn. Đó là làm sao cho đường xá sạch đẹp để học sinh đến trường; làm lại cống rãnh để đường không ngập sau mưa là điều mà người dân mong hỏi hơn những quy tắc ứng xử.

"Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ăn mặc thế nào cũng được nhưng đừng vừa ăn mặc rách mà để hôi hám thêm thì không được. Bộ trang phục không phản ánh được thái độ phục vụ của cán bộ công chức", ông Vững nêu quan điểm.

Anh Công Tuấn, một cán bộ trẻ ở quận Cái Răng, nói: "Tùy theo lĩnh vực mà chọn quần áo, không cần cứng nhắc, chỉ cần nói cán bộ công chức mặc đồng phục là được rồi. Quy tắc của TP Cần Thơ không cho mặc áo thun, quần jean là thừa thải, tạo ra dư luận không hay".

Cùng quan điểm "chiếc áo không làm nên thầy tu", anh Nguyễn Minh Quang (ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) không phản đối việc công chức mặc quần jean, áo thun vào cơ quan. Theo anh Quang, cán bộ ăn mặc lịch sự mà giao tiếp thô lỗ thì càng phản cảm hơn.

"Tôi chưa nghe người dân nào phản ứng chuyện cán bộ công chức mặc quần jean, áo thun vào cơ quan. Chúng tôi chỉ chú trọng cán bộ có phục vụ dân tận tình, giải quyết công việc nhanh hay không", anh Quang nói.

Ngày 1/9, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước. Bộ quy tắc gồm 4 chương, 11 điều, quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức. Những quy tắc ứng xử chung quy định những việc cán bộ công chưa phải làm và không được làm.

Trang phục của cán bộ, công chức khi làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, kín đáo, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Đặc biệt đối với nữ, áo có tay. Cả nam và nữ cán bộ, công chức không mặc quần jean, áo thun các loại.

Theo điều 10 của quy tắc này, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai hoặc xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: đồng phục , Cấm mặc , ăn mặc

BÀI MỚI ĐĂNG

ok