Cuộc sống

Cụ ông 80 'khỏe như lực sĩ' chặt củi, xách nước đến trai tráng phải ghen tỵ

Trời nắng chang chang, cụ Lê Văn Nô (80 tuổi, ngụ ở ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đầu trần, chân trần, lưng trần ngồi trước nhà bửa đống củi khỏe re như lực điền.

Mặc trời nắng gắt hay mưa dầm, cụ Nô luôn tìm việc để làmẢNH: NHƯ LỊCH

Ngoài biệt danh “khỏe như lực sĩ”, cụ còn có những thói quen kỳ lạ...

Chặt củi, xách nước, leo cây…

Khi đến thăm nhà cụ Nô, chúng tôi hoảng hồn khi thấy cụ đang leo cây để ràng lại mấy trái mít cho chắc chắn trong mùa mưa gió. Ông trấn an: “Nhằm nhò chi ba cái thứ này! Tui leo mái nhà để quét lá rụng trên đó hoài à”.

Bà Nguyễn Thị Tố (79 tuổi), vợ ông Nô, vừa khó nhọc vịn vào khung tập đi vừa nói: “Ổng với tui khác một trời một vực. 10 năm nay, tui bệnh đau liên miên, nào là tim mạch, tiểu đường, xương khớp… Còn ổng thì khỏe ru! Ổng không chịu nghỉ ngơi mà làm suốt ngày, tui la hoài không được”.

Được biết hai cụ có 11 người con (9 gái, 2 trai, con gái đầu nay đã 61 tuổi), hầu hết lập nghiệp ở xa. Theo cụ Nô, ngày trước, vợ chồng cụ canh tác trên ba mẫu đất do ông bà tổ tiên để lại. Sau này, Nhà nước thu hồi, đền bù giải tỏa để làm nhà máy điện. Từ năm 1996, cụ chính thức ngưng làm ruộng, chuyển vào cất nhà sống ở ấp 1, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cho đến tận giờ.

Cụ Nô thoăn thoắt leo cây, ràng lại mấy trái mítẢNH: NHƯ LỊCH

Chị Lê Thị Nhan (còn có tên là Lượm), con thứ tư đang sống chung nhà với ông bà, kể: “Người ta mần đường, đốn mấy cây trước nhà hết ráo. Ba tui lụi hụi chặt bằng hết đem vô. Củi ông chất đầy sau chái, chắc 10 năm nữa chụm cũng chưa hết”.

Chị Nhan cho hay gia đình chị dùng nước máy, nhưng mỗi khi trời mưa, cụ Nô thường ra hứng nước để dành xài. “Người già ra mưa một chút đã lạnh cóng, còn ba tui hàng tiếng đồng hồ vừa tắm mưa vừa hứng nước, xách nước. Có hôm mưa lớn, ông đổ đầy mười mấy cái lu, tính ra cũng mấy ngàn lít nước”, chị Nhàn tặc lưỡi nói, nửa tự hào nửa như xót xa.

Mặc dù được con cái sắm cho chiếc máy giặt, nhưng bao năm nay ông vẫn tự tay giặt áo quần của mình...

Chúng tôi đem những chuyện vợ con cụ Nô kể trên “méc” lại, cụ cười hiền: “Trời mưa mà để mấy cái lu không, uổng lắm! Chi bằng mình hứng nước để dành giặt đồ và xài dần, vì nếu chỉ dùng nước máy thôi thì mấy cho đủ. Mình tiết kiệm một chút, bớt gánh nặng cho con cái. Đâu thể ỷ lại con góp tiền nuôi, muốn làm gì thì làm. Tụi nó còn nuôi con, còn lo cho gia đình của nó nữa chứ”.

Ở tuổi 80, cụ Lê Văn Nô vẫn săn chắc, khỏe mạnh.ẢNH: NHƯ LỊCH


Một ngày ăn một chén cơm, đúng giờ ngọ

Đang trò chuyện với chúng tôi, cụ Nô nhìn đồng hồ rồi ngưng ngang: “Tới giờ ngọ rồi, tui vô ăn chén cơm đã nghe”. Dáng đi của cụ khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng: từ tốn, thẳng lưng thẳng đầu, chân bước nhẹ nhàng thanh thoát.

Người nhà cụ cho biết 6 năm nay, cụ Nô ăn chay trường. Trong đó, 2 năm gần đây, bữa ăn chính của ông lúc nào cũng đúng 12 giờ trưa, gồm một chén cơm cùng với canh bầu, bí... Và đó chính là chén cơm duy nhất trong ngày ông ăn.

Cụ Nô khẳng định nếu lỡ để quá giờ ngọ mà chưa ăn cơm thì ông nhịn luôn. Tuy nhiên, tình trạng bỏ bữa như vậy cũng rất hiếm khi xảy ra, nhờ tính kỷ luật cao của mình.

Buổi chiều và tối, cụ không ăn gì nữa, chỉ uống nước nóng. Buổi sáng, vào khoảng 9 giờ, ông ăn qua loa cái bánh tét hoặc bánh cam, bánh mì, chén bún với ít rau chan nước tương...

“Hồi trước, bắt được con gì tui ăn con nấy, từ cua cá, ếch nhái cho đến chuột, rắn…Sau này, không hiểu sao hễ ngửi đồ mặn là muốn nôn ói, nên tui chuyển sang ăn chay trường luôn”, cụ Nô kể.

Theo cụ, từ hồi ăn chay đến giờ, cụ không tập thể dục. Còn thời ăn mặn, hôm nào ông cũng thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi bộ chừng 30 phút.

Cụ bà Nguyễn Thị Tố góp chuyện: “Hồi trước, thỉnh thoảng ổng cũng uống rượu. Ai mời đám tiệc hay giỗ chạp, đôi khi ổng nhiệt tình quá uống xỉn quắc cần câu, nằm ngoài ruộng và được người ta khiêng về. Nhưng từ lúc ăn chay, ổng đã bỏ rượu luôn”.

Bà khoe: “Mấy chục năm nay, ổng không hề xích mích với tui và mọi người xung quanh”.
Đã thành nếp, cứ 8-9 giờ cụ Nô tối đi ngủ, 3-4 giờ sáng thức dậy pha trà hoặc cà phê uống và xem phim. Ông cho biết mỗi ngày tắm chừng 4 bận, trước và sau khi ngủ dậy đều tắm. Khoảng 3 giờ chiều, cụ nhóm củi nấu mấy nồi nước để con cháu chắt ra chai bỏ vào tủ lạnh uống dần. Còn cụ chỉ khoái uống nước sôi.

“Nước sôi chế ra ly, ông thổi lẹ hai cái rồi uống ngon lành. Chưa bao giờ tui thấy ông chịu uống nước nguội”, chị Lê Thị Nhan chưa hết ngạc nhiên về những thói quen kỳ lạ của cha mình.

Cụ xách hai thùng nước đầy mà như nhẹ nhàng như không.ẢNH: NHƯ LỊCH


Vượt qua “lời ước nguyện” ngày xưa

Trong độ tuổi hai mươi, thấy một lão nông 72 tuổi vác một lần ba bao xi măng, chàng trai Lê Văn Nô cũng nhào vô thử. Trầy lên trật xuống, cuối cùng anh cũng làm được như người kia. Có điều, tâm tưởng của anh bỗng xáo trộn mông lung…

Cụ Nô nhắc lại câu chuyện trên, kèm lời giải thích: “Lúc đó, thấy ông già làm vậy, máu nóng thanh niên nổi lên, mình cũng nhảy vô vác thử. Rồi tui nghĩ hoài là tới khi mình 72 tuổi, mình phải ráng làm được như ông già đó”. Cụ cười hì hì: “Ai ngờ nay mình đã 80 tuổi, vẫn… chạy tốt! Không bệnh hoạn gì, chưa bao giờ đi bác sĩ”.

Nhớ về thời “đỉnh cao”, cụ Nô kể: “Ngày trước cuốc đất mần ruộng, tui khỏe lắm. Mỗi vụ đập bồ được 200 - 300 giạ lúa, một mình tui vác hết xuống xuồng”.

Lan man qua chuyện tình yêu, cụ Nô ngượng nghịu: “Hồi xưa có mấy cô khen tui đẹp, tui nói: Thước tấc tui chỉ có 1m58, đen thui mà đẹp nỗi gì!”.

Cụ vui vẻ bảo: “Ở nhà không có công chuyện thì mình tự tạo công chuyện mà mần, cho giãn gân giãn cốt. Thấy tui cởi trần chặt cây, vợ con càm ràm sao để cái lưng cháy nắng, tui cự lại: Nhờ cháy vậy mà tui mạnh à!”.

Cụ Nô tiết lộ mỗi sớm thức dậy, ông thường xem các bộ phim tâm lý – xã hội, hình sự nước ngoài. Không nhớ nổi tựa phim nào cả, nhưng ông bảo mình không có điều kiện đi du lịch thì nên mở phim cho biết chuyện đời, cách sống của người ta ra sao.

“Bây giờ ra đường thấy nhiều chuyện bất bình. Mâu thuẫn nhỏ xíu, họ cũng sẵn sàng lao vào chửi mắng, chém giết nhau. Theo tui, phụ huynh phải có trách nhiệm kèm cặp con em mình. Khi nó bỏ đi đâu rồi hoặc xảy ra chuyện gì, mình đổ lỗi hết cho thầy cô là không được”, cụ chia sẻ.

Suốt mấy chục năm qua cụ Nô không đi chùa, nhưng cụ luôn dặn mình hai điều: Tu tại tâm; Hứa cúng cái gì thì cúng cái đó, phải giữ lời. Cụ cũng tự nhủ bản thân cứ sống trọn vẹn mỗi ngày, đừng làm điều sai trái để tối nằm ngủ thoải mái, tâm không mệt.

Cụ quan niệm về cái chết cũng rất nhẹ nhàng: “60 tuổi tính tháng, 70 tuổi tính ngày, 80 tuổi tính giờ. Mình còn sống giờ nào thì còn làm việc giờ đó. Trên đưa mình đi lúc nào thì mình về ‘quê cũ’ giờ đó, nhân gian chỉ là cõi tạm”.

Chia tay cụ Nô, chúng tôi bất chợt ước nguyện: Nếu mình sống thọ tới tuổi 80, cầu mong chỉ được một phần nhỏ sức khỏe của cụ như bây giờ, cũng đáng mừng lắm rồi!

Tác giả: Như Lịch – Minh Luân

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok