Cuộc sống

Cụ bà đẩy xe lăn cùng chồng tàn tật đi bán vé số và lời cầu nguyện trước cổng chùa

Chuyện về cụ bà 70 tuổi, ngày ngày đẩy chiếc xe lăn chở người chồng bị liệt sau cơn tai biến rong ruổi khắp các con phố Sài Gòn để bán vé số mưu sinh khiến hàng nghìn người cảm động rơi nước mắt.

Nghẹn ngào câu chuyện tình của đôi vợ chồng già bán vé số

Câu chuyện tình gần 50 năm của người đàn ông tên Út và bà Thành – 70 tuổi, ngụ ở Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh được chàng trai Hồ Huy Hậu, sinh năm 1996, sinh viên ngành Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ khiến nhiều người đọc cảm thấy vô cùng xúc động.

Cuộc sống với những biến cố cùng câu chuyện tình yêu và số phận của hai ông bà khiến người ta vừa có thể bật khóc thương cảm lại vừa cảm thấy ấm áp, ngọt ngào, thêm tin yêu vào tình yêu đích thực trong cuộc sống đầy vồn vã này.

"3 năm trước, ông Út lên cơn tai biến, dù giữ được tính mạng, nhưng ông giờ như đứa trẻ lên 3" - Vừa nói, bà vừa che miệng cười, nắm chặt tay ông, nắn từng ngón tay nhăn nheo đang run lẩy bẩy.

Theo Huy Hậu kể lại thì anh gặp đôi vợ chồng già vào hôm 14 âm vừa rồi, khi tình cờ ghé chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3 từ sớm:

"Lúc đó tầm 5 rưỡi, kịp cho mấy bà hàng buôn bày sen bán dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Một bà lão tóc bạc trắng nay ước chừng 70 tuổi, tay này đẩy chiếc xe lăn chở một người đàn ông đầu trọc, tay kia cầm xấp vé số dày cộm, đi ngang chùa, bỗng bà đứng lại trước cổng, mắt dáo dác dõi vào trong chăm chăm, rồi tần ngần thật lâu.

Hỏi ra mới biết, bà cũng muốn vào lễ Phật nhưng nghẹt cái chiếc áo thun mặc trên người rách rưới, không mất tươm tất nên khiến e dè không dám bước qua cổng chính.

Và cũng bởi lẽ, nay là ngày Vu Lan hiếu hạnh, phận đời mồ côi như bà cũng muốn thắp nén hương, cũng muốn cài lên ngực áo đóa hoa hồng trắng nhớ mẹ, nhớ cha nhưng vì sáng nay buôn bán ế nên không dám mua hoa, hương lễ Phật, bà bảo nếu mua thì trưa nay nhịn đói mất".


Cụ bà đành đứng nép mình một góc ở cổng chùa mắt lim dim hướng vào trong miệng lẩm bẩm câu cầu bình an cho người đàn ông bên mình và bản thân: "Phận không con, không cha mẹ, chỉ có ảnh làm bạn đời nên Vu Lan con cũng chỉ biết cầu cho ảnh (người đàn ông trên xe lăn) sức khỏe, sống hết kiếp này cùng con, kiếp sau còn nợ con vẫn muốn theo ảnh."

Sau đó, đến lượt cụ ông đang ngồi trên xe lăn, bà cầm từng ngón tay run lẩy bẩy của ông đan vào nhau: "Anh Út cũng phải lạy thì Phật mới chứng lòng thành cho được sống lâu với tui nghen!

Nghe vợ nói, ông cũng cúi đầu làm theo, lâu lâu sợ sai nên quay lại phía vợ nhìn dáo dác.

Được biết, ba năm trước ông Út bị ngã, lên cơn tai biến, dù được chữa trị giữ tính mạng, nhưng đầu óc bây giờ không được bình thường nữa, trí tuệ không khác gì đứa trẻ lên 3, chưa kịp biết nói, chỉ biết buồn lại tu tu khóc.

Lạ thay, ai dỗ cũng không được, chỉ có nhìn bà Thành ông mới chịu nín, chịu cười.

Câu chuyện do chàng sinh viên Hồ Huy Hậu kể lại khiến nhiều người vô cùng xúc động

Tiếp theo mạch chuyện, Huy Hậu kể: "Bà Thành khoe hồi xưa, bà cũng thuộc con nhà quyền quý, lại đẹp gái nên lắm người theo. Thế mà cái duyên cái nợ, qua nhà cô bạn chơi vài lần lại phải lòng anh Út.

"Anh Út què quặt vậy, chứ tâm hồn thơ ca lắm. Ngồi cửa sổ, đọc thơ, thổi sáo làm cô thơ thẩn không biết bao lần!" - bà tủm tỉm cười kể".

Rồi "kết tóc xe duyên" nhưng ngặt nỗi do sức khỏe của ông nên họ không thể có con. Nhiều lúc nằm nghĩ bà cũng buồn vu vơ vì gần cái tuổi 30, hai người vẫn chưa có mụn con nào cả.

Nhiều lần ông đuổi bà đi, nói rằng làm bà khổ quá nên muốn bà tìm người khác. Nghe chạnh lòng, bà mới khóc lóc mấy ngày trời. Ông đứt ruột lại thôi, hai vợ chồng cứ lặng lẽ sống vậy, bà cũng thôi lo nghĩ, cứ mặc kệ, không con chớ không có ông Út bà không sống được".

"Tình yêu ngày xưa bình dị lắm..."

Cứ thế, ông bà sống nương tựa nhau, chỉ cần được ở bên cạnh nhau mỗi ngày đã là niềm hạnh phúc vô bờ với họ.

Nhưng sóng gió vẫn chưa thôi, một ngày bà ốm nặng, ông đẩy xe lăn vào nhà tắm thấm khăn chăm bà. Đâu được một đoạn, xe trật bánh bật ngửa. Bà Thành nghe tiếng vội bước xuống, thấy chồng nằm thở dốc, mà không cầm được nước mắt.

Bị ngã đập đầu xuống đất, ba bốn hôm sau thì ông Út bắt đầu nhớ nhớ quên quên, lúc đầu quên đồ, rồi đường về nhà, quên cả tên mình... Sau đó im lặng hẳn.

Gặp người lạ ông bắt đầu la khóc, chỉ có bà đút thì mới chịu ăn, bà nói mới chịu cười, cả những lúc mắng yêu vì cái tính ương bướng ông cũng cười, còn không được nhìn bà một hôm ông lại khóc.


Không gia đình, không con cái, hai thân già tựa nhau mà sống. Sáng đẩy xe lăn đi bán vé số khắp nơi, người ta quen mặt, gọi là: "Vé số Út què!"

Bổn phận của một người vợ là một, từ đó bà lại lo luôn bổn phận của một người mẹ, ngày ngày chăm sóc chồng như một đứa trẻ lên ba.

Huy Hậu kể, khi anh hỏi bà có hối hận không, bà lại tặc lưỡi: "Gì chứ cũng duyên nợ hết rồi con, còn duyên còn nợ nên mới sống cập kề nhau ở cái tuổi 70 này chứ!".

Lễ Vu lan này, không còn ai để cầu, cũng chẳng đủ tiền mua một bông hồng trắng cài ngay tim, cụ bà 70 tuổi chỉ có áo rách, quần sờn đứng nép ngoài cổng mà xin trời, xin Phật cho ông sống thêm, dăm chục năm nữa bà cũng hết lòng chăm.

"Mà cầu một mình, có khi Phật không nghe thấu, thế là bà lại chắp tay ông cầu một lần nữa. Cầu cho ông 7 phần, cầu cho bà 3 phần đề còn sống bên nhau, chứ bà đi, ông Út ở lại một mình tội nghiệp.

Bà nói: "Út què phải chắp tay lạy Phật như tui thì đấng trên mới chứng, cho sống hết kiếp này, kiếp khác lại về ở với tui nữa nghen!" - Không biết ông có hiểu không, mà nghe xong lại nghiêng đầu cười khúc khích" – Huy Hậu kể.

Chuyện tình cảm bình dị, ấm áp mà rất đỗi chân thành, không toan tính của đôi vợ chồng già khiến nhiều người rơi nước mắt vì xúc động.

Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan với không ít thử thách chợt ấp đến bất cứ lúc nào mà không một ai có thể lường trước được, thế nhưng, nhờ sức mạnh của tình yêu sẽ có thể giúp hóa giải tất cả, để người với người sống để yêu nhau.

Giống như đôi vợ chồng già bán vé số trong câu chuyện trên, dù đã ở cái tuổi xế chiều vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh, nhưng ước nguyện của bà trước cửa Phật trong mùa Vu Lan lại rất đỗi đời thường, thực tế và ấm áp tình của người phụ nữ chưa bao giờ làm mẹ.

"Người mẹ" không con này chỉ mong người bạn đời sống với mình thật lâu để có thể chăm sóc ông, dù là sự chăm sóc ấy như của mẹ dành cho đứa con lên.

Chính bởi ước mơ bình dị mà ngập tràn yêu thương ấy, họ đã sống trọn cả cuộc đời, sướng khổ, buồn vui có nhau...

Cô gái thành phố về quê làm dâu, được mẹ chồng yêu chiều "nâng như nâng trứng"

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok