Một đoạn đường bê tông bị xuống cấp nghiêm trọng, chằng chịt các vết nứt. |
Ngày 5/9, Báo điện tử Xây dựng có bài viết “Thanh Hóa: Đường gần 60 tỷ đồng mới sử dụng đã chằng chịt vết nứt”, phản ánh về việc, dự án Đường giao thông vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành mới hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng.
Được biết, dự án do Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt (địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là đơn vị thi công; Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Thành An là đơn vị tư vấn giám sát.
Để có thông tin đa chiều, khách quan và nguyên nhân xuống cấp nhanh chóng của dự án trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Luận – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành, ông Luận cho biết: Dự án được khởi công từ tháng 8/2020, hoàn thành vào tháng 8/2022, sau thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng đến đầu năm 2023 thì một số vị trí xuất hiện vết nứt, nhưng không lớn, gọi là nứt răm. Sau khi phát hiện, tháng 6/2023, trong thời gian bảo hành công trình chúng tôi (chủ đầu tư) đã có văn bản yêu cầu nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt kiểm tra, theo dõi vết nứt và có giải pháp khắc phục các vết nứt này xong trước ngày 30/9, kinh phí nhà thầu chịu trách nhiệm vì đang trong thời gian bảo hành.
Khi phóng viên đặt câu hỏi ai là người quét xi măng lên các vết nứt, nguyên nhân tuyến đường mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt và trách nhiệm thuộc về ai? “Nhà thầu trám vá lại để che, giải pháp không đảm bảo chúng tôi đã có văn bản yêu cầu nhà thầu khắc phục lại theo đúng hồ sơ thiết kế, vì đang trong quá trình bảo hành công trình. Thực ra trong quá trình thi công, sau này anh em báo cáo lại có 2 xe bê tông lúc làm họ tháo cốt pha hơi sớm, lỗi chủ quan, lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công. Trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu thi công” - Ông Luận cho biết thêm.
Vết nứt lộ ra sau khi lớp xi măng bị bong tróc. |
Còn ông Lương Văn Dụng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt cho hay: Chúng tôi đổ buổi sáng, trưa là đã nứt, nhà thầu phát hiện ra từ lúc đang đổ. Công ty Hồng Phượng (công ty cung cấp bê tông) cho biết là do xi măng bị thủy hóa quá nhanh. Chúng tôi phát hiện ra là đã lập biên bản.
Khi được hỏi về phương án khắc phục và trách nhiệm thuộc về ai? “Chúng tôi sẽ khắc phục theo 2 phương án sau. 1 là phá hết bê tông làm lại. 2 là đục đi 10cm rồi đổ phủ lên. Lỗi nhà thầu là không có, lỗi là Công ty Hồng Phượng cung cấp bê tông, do bê tông bị thủy hóa quá nhanh”.
Với những câu trả lời của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công có thể thấy rằng các bên liên quan chỉ nhận một phần nhỏ trách nhiệm và đang đùn đẩy trách nhiệm cho các bên liên quan.
Câu hỏi dư luận đang đặt ra là chủ đầu tư và đơn vị thi công đều xác nhận chất lượng công trình có vấn đề trong quá trình thi công nhưng vẫn nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Liệu có sự liên kết nào giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thanh, quyết toán để giảm chất lượng công trình? Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành được Nhà nước giao quản lý vốn để thi công dự án, nhưng lại không quản lý tốt, có dấu hiệu gây thất thoát nguồn vốn, dự án không đảm bảo chất lượng, gây mất lòng tin của nhân dân. Trách nhiệm thuộc về ai?
Liệu có sự liên kết, móc nối nào giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công? Với 60 tỷ đối với một tỉnh nghèo như Thanh Hóa không phải là nhỏ. Và hiện nay cũng không còn cơ hội để chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Pháp luật về xây dựng đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, trách nhiệm của nhà thầu trong thi công xây dựng, trách nhiệm của đơn vị giám sát thi công trong việc thực hiện từng phần theo công việc của mình và theo hợp đồng.
UBND huyện Thạch Thành cũng không thể đứng ngoài cuộc trước vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, UBND huyện phải chủ trì cuộc họp giữa các bên để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng tập thể, cá nhân theo luật định. Việc quan trọng và cấp bách là cần sớm trả lại con đường với nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước gần 60 tỷ đồng với đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo chất lượng công trình, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Được biết, vừa qua nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt lại tiếp tục được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 10: Thi công xây dựng (bao gồm đảm bảo an toàn giao thông và bảo hiểm công trình) dự án: Đường tránh thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1) với tổng kinh phí lên đến 170 tỷ đồng. Liệu lựa chọn này có công minh? Năng lực nhà thầu này có đáp ứng được hay không đang là câu hỏi mà người dân tại đây đầy nghi vấn?
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ để trả lời cho công luận.
Tác giả: Đinh Vũ – Thảo Phương – Sơn Long
Nguồn tin: baoxaydung.com.vn