Giáo dục

Công tác thi đua – khen thưởng ngành giáo dục còn nặng về hình thức

Tại hội nghị công tác Văn phòng khối các Sở GD&ĐT năm 2016, ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) Bộ GD&ĐT cho biết, công tác thi đua – khen thưởng ở nhiều nơi vẫn còn nặng hình thức, chưa đồng bộ thường xuyên.

Phần lớn cán bộ quản lý giáo dục được vinh danh điển hình tiên tiến

Vừa qua, tại Khánh Hòa, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị công tác Văn phòng khối các sở Giáo dục và Đào tạo năm 2016. Hội nghị nhằm đánh giá tiến độ triển khai nhiệm vụ năm học 2015 – 2016; trao đổi một số vấn đề về công tác thi đua- khen thưởng, công tác truyền thông khối các Sở GDĐT và thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm mà Văn phòng các Sở GDĐT cần tham mưu triển khai trong năm học tới.

Về công tác thi đua – khen thưởng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) Nguyễn Văn Vui cho biết, nhiều năm nay, các phong trào thi đua của ngành GD đã đi vào chiều sâu thực chất, đã xuất hiện nhiều nhà giáo điển hình bám trường, bám lớp, khắc phục khó khăn để duy trì sĩ số học sinh, GD các em khuyết tật và bồi dưỡng HS giỏi – phụ đạo HS yếu...

Bộ GD&ĐT rất quan tâm công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Vui, công tác TĐ-KT ở nhiều nơi vẫn còn nặng hình thức, chưa đồng bộ thường xuyên. Việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và bình xét khen thưởng chưa thật sự hiệu quả.

Hạn chế rõ nét nhất là lâu nay phần lớn cán bộ quản lý giáo dục được vinh danh điển hình tiên tiến. Trong khi đó, số lượng nhà giáo được tôn vinh khen thưởng khá ít.

Tình trạng không cân đối về số lượng nhà giáo được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú giữa các cấp học đã diễn ra qua nhiều đợt xét, nhưng chưa được khắc phục.

Vụ TĐ-KT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các hồ sơ xét tặng các danh hiệu TĐ-KT trong ngành GD cần đảm bảo đúng nội dung, thủ tục quy trình theo quy định.

Các Sở GD&ĐT (nòng cốt là VP Sở) cần thường xuyên giới thiệu các tấm gương GV-HS có thành tích xuất sắc đột xuất để nêu gương. Tránh quan niệm cứng nhắc là tập thể, cá nhân nào được khen thưởng nhiều, thì đó là điển hình tiên tiến...

Kết luận về công tác TĐ-KT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị các Sở GD&ĐT thành phố lớn cần sớm trình cấp có thẩm quyền duyệt biên chế một cán bộ chuyên trách công tác khen thưởng tại VP Sở. Các Sở GD còn lại thì phải có cán bộ kiêm nhiệm công tác này.

cong tac thi dua khen thuong nganh giao duc con nang ve hinh thuc
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác VP

Đối với công tác văn phòng, chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Công tác văn phòng (VP) cực kì vất vả, diễn ra âm thầm, lặng lẽ. VP cần tích cực, tham mưu cho lãnh đạo Sở GD về việc ban hành, phản biện các chủ trương, chính sách của ngành GD địa phương.

Thứ trưởng Hùng yêu cầu công tác tham mưu của VP các Sở GD phải giúp lãnh đạo các Sở, tăng cường quan hệ công tác chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh – thành những vấn đề nóng, tránh đùn đẩy lên cấp cao hơn những vụ việc mà địa phương đủ thẩm quyền giải quyết.

Phát biểu tại Hội nghị Chánh Văn phòng Phạm Ngọc phương cho biết, để chuẩn bị tổng kết năm học 2015 – 2016 và phương hướng năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT yêu cầu Văn phòng các Sở GD&ĐT tham mưu, xây dựng, báo cáo, đánh giá cụ thể những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp trong triển khai thực hiện tăng cường đổi mới công tác văn phòng, công tác phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Đồng thời, VP các Sở GD&ĐT cũng cần khẩn trương nghiên cứu, áp dụng hệ thống thông tin quản lý và điều hành qua mạng điện tử theo hướng dẫn mới của VP Bộ.

Truyền thông và xử lý thông tin còn nhiều hạn chế

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, tại văn phòng Bộ GD&ĐT đã có Trung tâm truyền thông Giáo dục, nhưng các Sở GD&ĐT hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách công tác truyền thông, chủ yếu do Phó Giám đốc Sở, hoặc Chánh, Phó VP, hoặc chuyên viên VP Sở GD kiêm nhiệm.

Đây cũng là một trong những lí do khiến cho việc xử lý các vụ việc trong ngành GD gây bức xúc bị ách tắc, khiến dư luận hoang mang.

Tại hội nghị, bà Trần Thu Hà – Chánh VP Sở GD&ĐT Gia Lai - đề nghị: “Bộ GD&ĐT cần tập huấn nghiệp vụ công tác truyền thông cho VP các Sở GD. Bà cũng mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng khi đưa thông tin về hoạt động của ngành GD&ĐT, cần có cái nhìn toàn diện, phải thấy hết những nỗ lực vượt bậc của các nhà giáo – nhà trường trong việc GD thế hệ trẻ”.

Ngành GD&ĐT từ lâu đã xây dựng được nhiều sản phẩm truyền thông có chất lượng, coi truyền thông là diễn đàn để mọi tầng lớp nhân dân cùng chia sẻ, góp ý cho sự nghiệp trồng người. Việc chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực, để dư luận có cái nhìn khách quan, chân thực về ngành GD&ĐT.

Tác giả bài viết: PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok