Liên quan tới các quy định về quốc tịch của công dân Việt Nam, trao đổi với PV Lao Động, ThS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho biết: Theo Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
“Luật Quốc tịch Việt Nam không cho phép công dân Việt Nam mang hai quốc tịch trừ trường hợp đặc biệt như người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ” - LS Cường phân tích.
LS Đặng Văn Cường phân tích về các quy định về quốc tịch. Ảnh LS |
Cũng theo LS Đặng Văn Cường, vừa qua, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực từ 1.1.2021 có quy định rõ: Đại biểu Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ là người có quốc tịch Việt Nam. Bởi vậy các đại biểu nào mang hai quốc tịch (trong các trường hợp đặc biệt đã nêu) thì buộc phải thôi quốc tịch hoặc thôi đại biểu Quốc hội.
Trường hợp khai báo gian dối, không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội mà không xin thôi đại biểu Quốc hội thì có thể bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 Luật tổ chức Quốc hội.
Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định rất cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội. Những người không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng là đại biểu Quốc Hội mà không xin thôi đã bị Quốc Hội thì có thể bị bãi nhiệm theo quy định pháp luật.
Tác giả: Vương Trần
Nguồn tin: Báo Lao động