Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cho biết, ông chưa nhận được báo cáo chính thức về việc sở hữu 2 quốc tịch của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM), mà mới tiếp nhận thông tin qua báo chí và mạng xã hội.
“Tôi có đọc báo, thấy đại biểu Phạm Phú Quốc xác nhận việc có 2 quốc tịch. Tôi đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh thông tin này” - ông Túy nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thuộc đoàn đại biểu TPHCM, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII tháng 5/2016. |
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, về vấn đề xử lý việc này, trước hết, cơ quan quản lý hộ chiếu phải có thông tin chính thức để xác định đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 hộ chiếu hay không. Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu mới đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát biểu quan điểm vì Mặt trận là cơ quan tổ chức hiệp thương để giới thiệu ông Quốc cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2016.
Sau quy trình xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan này, toàn bộ hồ sơ sẽ được trình lên UB Thường vụ Quốc hội xem xét.
Nhấn mạnh nguyên tắc chỉ UB Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích pháp luật (luật áp dụng trong trường hợp công dân là đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch - PV) và nguyên tắc “đại biểu có quyền bất khả xâm phạm”, ông Trần Văn Túy lưu ý, tất cả các thủ tục phải được xem xét, tiến hành chặt chẽ.
Một nguyên tắc chung khác được Trưởng Ban Công tác đại biểu nhắc tới là đại biểu Quốc hội, trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, nếu có thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, trường hợp của đại biểu Phạm Phú Quốc, đến thời điểm này, “cơ quan có thẩm quyền không hề nhận được báo cáo của đại biểu”. Do đó, ông Túy giải thích, vấn đề phải làm lúc này là tìm hiểu, xác định thời điểm đại biểu Quốc nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp.
“Vấn đề 2 quốc tịch với một cán bộ hành chính, việc xem xét đơn giản hơn nhưng trường hợp này là đại biểu Quốc hội, phải hết sức trân trọng những cử tri đã bầu ra đại biểu. Vậy nên chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục phù hợp với quy định” - ông Túy khẳng định.
Ngày 25/8, giải thích với báo chí, đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar).
Tuy nhiên, những trang tài liệu mà hãng tin hãng tin Al Jazeera đăng tải lại thể hiện, cơ quan chức năng tại Cộng hòa Síp dẫn chiếu quy định, Hội đồng Bộ trưởng nước này có thể, theo một số điều kiện nhất định, cho phép nhập quốc tịch với các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài, bất kể thời gian lưu trú của người đó tại Síp là bao nhiêu. Theo đó, trường hợp của bà N.D.P (sinh năm 1969) cùng chồng bà là ông Phạm Phú Quốc (sinh năm 1968), đều mang quốc tịch Việt Nam, thuộc các tiêu chuẩn do Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Síp quy định về danh mục đầu tư phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng.
Một lưu ý khác được nêu ra trong tài liệu hãng tin Al Jazeera chụp, đăng tải là, người nộp đơn xin nhập quốc tịch, hàng năm phải nộp giấy chứng nhận về tiến độ xây dựng dự án đầu tư tại Síp.
Tác giả: Thái Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí