Shutterstock |
Ba bình luận: Đúng là nỗi đau quá lớn, nhưng nếu mình thương ba mẹ thì phải ráng sống để làm việc và phụng thờ cho ba mẹ vui lòng chứ, rồi gợi ý con gái viết bài để mọi người chia sẻ với bạn.
Chiều về, con gái kể tiếp:
Gia đình bạn khá giả, trước khi mất, ba bạn ấy đã chuẩn bị mọi chuyện cho con và đều được ghi rõ trong di chúc. Hiện người chú ruột không có con đưa bạn ấy về sống cùng. Nói chung về đời sống vật chất có thể tạm yên tâm.
Con gái kể một chi tiết, lâu nay bạn ấy ít nói nên không ai biết, trước khi ba bạn ấy mất 1 tuần, bạn ấy nghỉ học hai ngày liền nên lớp trưởng gọi điện đến nhắc nhở bảo rằng nếu nghỉ thì phải bảo phụ huynh viết đơn xin phép chứ?
Bạn ấy trả lời, nếu ba tôi mất thì lấy ai mà viết đơn. Lớp trưởng giận lắm xạc luôn cho một trận về lỗi đã thiếu ý thức kỷ luật lại còn vô lễ đến mức lấy tính mạng của ba ra mà cãi.
Thế rồi vài ngày sau, cả trường nhận được hung tin, cô bạn ấy đã cắt tĩnh mạch để tự sát khi ba mình qua đời.
Cô bé kia khi làm việc này chắc chắn không phải vì lo lắng về cuộc sống vật chất sắp tới của mình. Có lẽ tổn thương lớn nhất mà cô phải đối diện chính là sự hụt hẫng về tình cảm. Ngoài việc mất bố, nỗi cô đơn về những khó khăn không được những người xung quanh cảm thông chia sẻ mới là động cơ chính.
Cuộc đời với biết bao nguyên tắc cứng nhắc được áp đặt mà đôi khi người ta vì quá vội vàng gấp gáp đã làm người khác bị tổn thương rồi thì cuộc đời cứ hình thành nên những hố sâu ngăn cách người này với người khác.
Biết lắng nghe có lẽ là bài học khó nhất mà mỗi người phải học suốt cả cuộc đời.
***
3 tuổi, con gái và mẹ có hai nickname đều bắt đầu là B. Ngày nào cả hai cũng gửi cho nhau một câu "B. ơi! B. nhớ B. quá rồi". Hồi đó, mẹ hay bị choáng, một hôm, không phải vì choáng mà vì gió Lào nóng quá, thấy con gái ngủ ngon, mẹ chạy ra ngách cửa, nằm giữa nền cho đỡ nóng. Nào ngờ, chỉ một phút sau, thấy bàn tay nhỏ con gái đặt trên trán mình, mẹ vờ ngủ, con gái cứ thế xoa khắp mặt, hóa ra con gái lo tưởng mẹ ốm. Rồi con gái nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh ôm chặt lấy mẹ. Bỗng thấy chân trời ngay cạnh tay mình.
Con gái bắt đầu đi học, sợ tập viết theo các câu sẵn, dễ chán, mẹ bảo con gái tự viết những điều mình nghĩ.
Bài đầu tiên con gái viết là về ngôi nhà mình, có câu "nhà em có rất nhiều cây, buổi chiều khi ba tưới xong, hễ cây rung là rất mát". Bài thứ hai con gái viết về anh trai "em có anh Ben, anh Ben em đẹp trai lắm, đẹp như hoàng tử vậy, mỗi khi anh Ben giúp mẹ lau nhà xong là trên trán anh Ben có nước, vẫn rất đẹp trai".
12 tuổi, sinh nhật mẹ, con gái dành hết số tiền tiết kiệm cả năm rủ bạn tìm mua một chiếc hộp cát có dòng chữ “I love you”.
Mẹ hay đọc sách nên con gái mua thêm một chiếc giá để mẹ ngồi đọc kê khỏi mỏi mắt.
15 tuổi, vẫn sinh nhật mẹ, con gái một mình vào siêu thị chọn một chiếc ví và một chiếc mũ màu đen. Mẹ đội chiếc mũ ấy thường xuyên đến mức cái vành bên trong đã bạc trắng, với mẹ đó là chiếc mũ thời trang nhất.
Con gái gửi kèm một câu: "Có thể vũ trụ không chỉ có 3 người nhưng với 3 người mẹ là vũ trụ". Bỗng thấy đôi chân mình dài hơn cả con đường.
Con gái là người luôn quyết định rất nhanh và dứt khoát khi chọn cho mẹ một món đồ hiệu. Con gái cũng là người thường xuyên đưa mẹ đi làm tóc, nhiệt tình tìm các địa chỉ spa với một lời khuyên: "Mẹ làm việc nhiều rồi, nên thưởng cho bản thân một chút đi".
Mẹ giúp con gái thử bộ đồ lót mới, bắt gặp quá khứ của mình. Nhìn con gái chăm chỉ học bài, mẹ thấy tương lai của mình.
Đối với mẹ, con gái là một người bạn thân, một nhà tư vấn.
Con gái nhỏ nhưng là một người bạn lớn.
Tác giả: Trần Thị Cúc Phương
Nguồn tin: Báo Thanh Niên