Sống chung với mẹ chồng khiến Mai thừa hiểu sẽ có những va chạm thế nhưng tính đoảng, vô tâm của mẹ chồng càng ngày càng khiến Mai ngộp thở và áp lực.
Trước khi về làm dâu, Mai đã biết mẹ chồng cô ghê gớm. Biết vậy nên ngay khi về nhà chồng, Minh đã rất ý nhị nói trước với mẹ chồng một vài lời đồng thời cố gắng sống sao để mẹ chồng - nàng dâu ít lời qua tiếng lại nhất.
Những ngày đầu về sống chung với nhà chồng, Mai rất ngạc nhiên khi bố chồng là người nấu ăn cho cả gia đình chứ không phải mẹ chồng. Sau này cô mới biết, mẹ chồng cô ngày trẻ xinh đẹp, tính cách tiểu thư, bố chồng cô rất chiều bà nên thường xuyên vào bếp nấu cơm cho vợ. Lâu dần thành quen. Hàng ngày, mẹ chồng cô đi chợ mua thức ăn về cho bố chồng nấu. Tuy nhiên bà thường xuyên mua thiếu đồ, gia vị, nhiều lần về đến nhà rồi lại phải quay lại chợ mua thêm, lần mua thịt lại để quên ở hàng rau, mua tỏi lại quên hành. Hôm nào mẹ chồng đột xuất vào bếp là cả nhà sẽ biết ngay vì không được ăn ngon, món thì mặn, món lại ngọt…, cùng đó là góc bếp cứ lanh ta bành cả lên.
Kể từ khi Mai về làm dâu, bữa tối cô thường xuyên vào bếp. Vốn nấu ăn ngon, các bữa cơm của gia đình vào tay Mai đều trở lên tươm tất, ngon miệng. Hôm nào mà Mai về muộn, không nấu cơm được, mọi người thất vọng ra mặt. Phải hôm mẹ chồng vào bếp nấu món thịt kho Tàu cùng canh cá lóc, cả nhà uể oải ăn, bố chồng buột miệng nói: “Bà lần sau hỏi con Mai công thức nấu” khiến mẹ chồng cô bĩu môi khó chịu, bảo là "Em thấy con Mai nấu ngọt quá, khó ăn”.
Ảnh minh họa. |
Mai làm bất cứ cái gì, nấu món gì, lau dọn nhà cửa ra sao, mẹ chồng cô cũng đứng cạnh, theo sau chỉ đạo. Nếu cô có phản ứng gì bà lại kêu là con dâu bướng, khó bảo, cậy chồng bênh. Nhiều lần như vậy, nếu không có bố chồng và chồng can thiệp thì Mai ức phát khóc.
Mỗi khi nhà có khách, dịp giỗ, Tết, Mai lại vào bếp làm. Một tay cô làm 3-4 mâm cỗ, thi thoảng mới có sự trợ giúp của bố và chồng. Thế mà mặc khách khứa, họ hàng khen cỗ ngon, con dâu thật đảm, mẹ chồng Mai cười trừ nói: “May mà món này tôi góp ý trộn gia vị mới được ngon như thế, lúc trước cái Mai nó cho mặn/nhạt, thiếu đường…” khiến Mai á khẩu.
Nếu chỉ có thế thì Mai cũng không cảm thấy phiền và khó chịu bởi cô nhận được sự cảm thông của chồng và bố chồng. Ức nhất là bà cứ sang nhà hàng xóm và ra ngoài chê con dâu “vụng thối vụng nát”, bảo thủ, không nghe mẹ chồng khuyên bảo khiến Mai bị mang tiếng.
Đã thế chồng Mai hay phải đi công tác, cô lại làm gần nhà, bố chồng thì cũng nay nhà bạn đánh cờ, mai nhà bạn chơi chim nên hầu như không gian ở nhà chỉ có Mai và mẹ chồng làm chủ. Thế nhưng, đúng như mọi người bàn tán, càng sống với mẹ chồng cô càng thấy bí bách, áp lực.
Cứ nín nhịn thì không sao nhưng nhiều khi ấm ức lên tới đỉnh điểm Mai có thanh minh với mẹ chồng thì bị bà quay ra mắng, nào là "hỗn láo", "trông học thức thế mà lại như đứa vô học". Nhiều lúc nghĩ lại, Mai phát hiện ra một điều, mẹ chồng cô cũng tinh quái. Cứ có chồng cô ở nhà thì bà khá nhẹ nhàng, điềm đạm với cô nhưng chỉ cần anh bước ra khỏi cổng là bà lại trở lại đúng kiểu "mẹ chồng khó tính".
Hôm vừa rồi, tranh thủ chồng đi công tác Sài Gòn 1 tuần, Mai xin phép bố mẹ chồng cho về nhà ngoại 5 hôm. Vậy mà chỉ đến hôm thứ ba, mẹ chồng đã gọi điện cho Mai gọi về. “Mẹ hôm qua thấy mệt quá. Con về mà lo cơm nước cho bố. Mà con xem lại, chồng đi vắng là đã tót về ngoại. Con gái lấy chồng phải theo chồng, bình thường nhà người ta, một năm chỉ về ngoại 1 lần dịp lễ tết đủ rồi” khiến Mai nghe mà ức chế.
Mai trở về nhà với tâm trạng vô cùng bực tức nhưng cô gắng kìm nén. Mai nghĩ mãi mà vẫn chưa ra cách “trị” mẹ chồng đã ghê gớm, hay đặt điều, xét nét lại còn đoảng nữa.
Tác giả: Châu Anh
Nguồn tin: giadinh.net.vn