Trận đấu với U22 Hàn Quốc vừa qua chỉ ra nhiều vấn đề sai sót của đội hình HLV Hữu Thắng. Ảnh: Dũng Phương |
Như vậy, 5 trận đấu gần nhất của U22 trước thềm SEA Games 29 (bao gồm trận đá với U22 Hàn Quốc) đều đến từ một nền bóng đá.
Xét về lý thuyết, đây là đợt tập dợt chất lượng cao, ấy là cũng nhờ mối quan hệ tốt của VFF với LĐBĐ Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào chi tiết, sẽ thấy có nhiều điều bất ổn.
Thứ nhất, đó là mật độ đá tập nhiều quá. Theo kế hoạch thì từ ngày 29-7 cho đến khi đá trận đầu tiên ở SEA Games 29 (14-8) thì U22 đá đến 4 trận (3 trận tại Hàn Quốc). Thứ hai, dù đá nhiều nhưng có thể sự tích lũy kinh nghiệm lại không cao do đối tượng có thể thi đấu cùng trường phái giống nhau và các “quân xanh” đều ở tâm thế khác so với U22 Việt Nam. Lẽ ra, trong chu kỳ đá tập này, nếu được chơi 1 trận với một đội U22 của bảng A thì sẽ có ý nghĩa hơn. Nói cho cùng, đá với những quân xanh cấp CLB vốn không phải là lựa chọn tương xứng cho các đội tuyển quốc gia, dù họ có mạnh hơn đi nữa.
2. Nhưng điều bất ổn lớn nhất chính là đối tượng đá tập không trùng khớp với mục đích tại SEA Games 29.
Về lý thuyết, 4 đối thủ sắp đến của U22 Việt Nam đều ở trình độ cao hơn chúng ta. Điều này chỉ tốt nếu SEA Games là một giải đấu quá tầm. Như vậy, chúng ta sẽ dùng kinh nghiệm ấy để “vượt núi”. Như trường hợp đi tập huấn tại châu Âu và Hàn Quốc của U20 dự World Cup vừa qua là đúng.
Thực tế thì U22 Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là một trong những ứng viên hàng đầu cho HCV SEA Games 29. Trong 11 đội bóng dự SEA Games, ngay cả với U22 của Thái Lan hiện nay, đều không đá trên cơ các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Hơn nữa, lối chơi của U22 Việt Nam hiện nay là lấy công bù thủ, tức là áp đặt lối chơi ngay từ đầu và theo dự báo, đa số các đối thủ sắp đến của chúng ta đều sẽ chọn phòng thủ - phản công để đối đầu.
Nói cách khác, cái mà thầy trò HLV Hữu Thắng đang chú trọng đó là khâu ghi bàn sau khi gây áp lực lên hàng thủ đối phương, đồng thời mài giũa bài bản chống phản công hợp lý để hạn chế những sai sót phòng thủ. Với tâm thế của U22 Việt Nam hiện nay, có lẽ sẽ không sử dụng lối chơi phản công ở SEA Games nên việc đá tập với những đội mạnh hơn mình không hẳn là một chọn lựa đem lại sự hữu ích.
3. Mỗi chiến dịch có những tính chất riêng và dựa theo đó mà cần có sự chuẩn bị phù hợp. U22 Việt Nam đang được đánh giá rất cao, nhất là sau vòng loại U23 châu Á vừa qua. Chúng ta đã cử “gián điệp” đi xem các trận đấu của những đối thủ cùng bảng B, thì họ cũng sẽ làm ngược lại. Nếu 4 trận giao hữu sắp đến, gặp các quân xanh mạnh hơn, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chơi theo kiểu 100% năng lực, tức là “lộ bài” ngay từ lúc đá tập thay vì ngược lại, đây phải là lúc “giấu bài”.
Xem ra việc được đá nhiều, chất lượng cao, chưa hẳn đá… đúng bài. Hy vọng là HLV Hữu Thắng có phương án riêng để tránh cho đội tuyển U22 rơi vào tình trạng “quá sung” trước SEA Games 29.
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng