Kinh tế

Cổ phiếu Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa tiếp tục bị hạn chế

Cổ phiếu PVH của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa tiếp tục bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023.

Ngày 6/6, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Hà Nội ban hành quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu PVH của Công ty cổ phần (CTCP) Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa.

Lý do duy trì hạn chế giao dịch tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2023, PVH chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Sở GDCK Hà Nội yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa phải có văn bản gửi Sở GDCK Hà Nội giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Quyết định duy trì diện hạn chế lần này của HNX thay thế quyết định hạn chế trước đó vào ngày 23/5. Ở lần duy trì hạn chế này ngoài lý do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến, PVH còn chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán qúa 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Dự án Khách sạn Lam Kinh, PVH chưa ghi nhận chi phí phải cho ngân hàng PVcombank. Ảnh internet.

CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa trước đây là CTCP Thịnh Phát, trụ sở tại tầng 10 tòa nhà Dầu khí, số 38A Đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Công ty có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Cổ phiếu PVH bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào giữa tháng 5/2017, khối lượng lưu hành 21 triệu cổ phiếu. Giá trị vốn hóa kết phiên giao dịch 6/6 chỉ vỏn vẹn 14,7 tỷ đồng, tương đương 700đ/cp.

Tại báo cáo tài chính năm 2023 công ty vừa công bố, tổ chức kiểm toán nêu hàng loạt vấn đề và từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của công ty. Cụ thể, không đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp của các khoản mục nợ phải thu, phải trả tại ngày 01/01/2023 và 31/12/2023.

Không đủ thông tin để đánh giá các khoản công nợ trả trước cho người bán, dự phòng phải thu khó đòi, vay và nợ thuê tài chính...

Thêm đó, Công ty vẫn chưa thực hiện đánh giá lại dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu. Tổ chức kiểm toán không có đủ thông tin cần thiết để có thể đánh giá được sự phù hợp của số dư dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn đang được trình bày trên Báo cáo tài chính.

Về khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang phản ánh giá trị chi phí đầu tư vào dự án "Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp 1 và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng Khu liên hợp hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa tại xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa" với số tiền là 19,4 tỷ VND. Tuy nhiên dự án này đã bị chấm dứt thực hiện kể từ ngày 01/08/2013.

Về công nợ, Công ty chưa ghi nhận khoản chi phí phải trả cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcombank) liên quan đến 2 dự án "Khách sạn Lam Kinh" và dự án "Toà nhà Dầu khí 38A" từ năm 2015 đến ngày 31/12/2023 với giá trị khoảng 551,46 tỷ đồng.

Trong năm, Công ty đang ghi nhận thu nhập khác là khoản tiền lãi chậm thanh toán của Công ty TNHH xây dựng Hùng Sơn theo thỏa thuận hòa giải được công nhận với số tiền là 1,1 tỷ đồng tuy nhiên chưa thu được tiền.

Đối với khoản chi phí sửa chữa lớn Tòa nhà Dầu khí với giá trị 8,72 tỷ, PVH chưa cung cấp được nghiệm thu hoàn thành việc sửa chữa do đó kiểm toán viên không xác xác định được sự phù hợp của số dư khoản chi phí trả trước này và phần được ghi nhận vào chi phí trong năm.

Tác giả: Vân Anh

Nguồn tin: xahoi.congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok