Cuộc sống

Cô gái Thủ đô trốn nhà vào Thanh Hóa lấy người chồng ngồi xe lăn

Từng bị gia đình ngăn cấm, nhưng vì tình yêu chị Trần Thị Thi (42 tuổi, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bỏ “trốn” vào huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa xây dựng hạnh phúc với anh Đỗ Ngọc Tiến (SN 1975) – một người khuyết tật phải ngồi xe lăn. Câu chuyện tình đẹp mà hai vợ chồng anh Tiến đã viết lên bằng trái tim, bằng tình yêu không toan tính của mình khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Vợ chồng anh Tiến, chị Thi cùng con trai tại lễ cưới tập thể. Ảnh: PT

Số phận nghiệt ngã

Từng là một cậu học trò giỏi nhưng anh Đỗ Ngọc Tiến, ở thôn 1, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó đành ngậm ngùi bỏ học giữa chừng. Để phụ giúp cha mẹ, anh làm rất nhiều việc từ đánh bắt cá, buôn gà…

Khi anh Tiến tròn 18 tuổi, bố anh mất. Sau mất mát quá lớn này, anh Tiến quyết định bắt xe thẳng vào phía Nam với khát vọng làm giàu, có tiền lo cho mẹ già. Sau hai năm làm tôm và bốc vác cá ở Vũng Tàu, năm 1995 anh trở về bên mẹ với một chút vốn nho nhỏ. Và tiếp tục ôm ấp những ước mơ hoài bão của mình, chỉ thời gian ngắn ở quê anh lại lên đường vào Nam làm thợ xây. Cuộc đời lại kéo anh sang một lối rẽ khác đầy nước mắt khi được công ty đưa sang Campuchia xây dựng và gặp tai nạn.

Anh Tiến cho hay, đến giờ anh vẫn còn nhớ như in cái ngày đã cướp đi cuộc sống lành lặn của anh. Đó là ngày 3/3/1997, anh bị ngã từ tầng ba xuống đất khi đang đi xây. Mọi người đưa anh đi cấp cứu nhưng anh chỉ giữ được tính mạng, hai chân, hai tay đều bị liệt.

Sau tai nạn, anh Tiến phải nằm một chỗ. Anh không thể tự làm được gì, ngay cả việc đơn giản nhất là ăn uống vì lúc này, hai tay đã mềm như bún. Ban đầu anh vẫn hy vọng với sức khỏe của tuổi trẻ sẽ sớm bình phục nhưng sau gần nửa năm vẫn gắn chặt với chiếc giường khiến anh rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Không ít lần anh chỉ muốn chết để không phải sống trong cảnh tàn phế.

“4 năm sau khi tôi bị bệnh, mẹ cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Mẹ đã ôm tôi khóc và nói: “Tiến ơi rồi đây con sẽ sống ra sao. Mẹ mất ai sẽ nuôi con đây, anh em thì đã có gia đình, ai biết phận nấy. Mẹ lo lắm con ơi… Câu nói ấy của mẹ đã thổi bùng ngọn lửa khát khao vươn lên trong tôi.

Kể từ hôm đấy, tôi tự vận động một mình để ngồi lên và rồi tôi cũng đã ngồi được. Tôi tập lết quanh giường, tự mình nấu ăn. Ngày tôi tự nấu ăn được mẹ tôi vui lắm. Tôi cũng thấy hạnh phúc vô cùng khi chính tay mình nấu cháo được cho mẹ ăn. Nhưng không ngờ bát cháo đầu tiên và cũng là bát cháo cuối cùng tôi tự tay nấu được cho mẹ. Mẹ ra đi khi tôi tròn 27 tuổi”, anh Tiến kể lại.

Sau đám tang mẹ, anh Tiến quyết định sống một mình vì không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người. Mọi sinh hoạt của anh nhờ vào tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật và ít ruộng cho người khác thuê làm thầu. Ngày qua ngày anh vẫn thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ ấy. Cuộc sống của anh thực sự tươi mới hơn khi được người bạn tặng một chiếc điện thoại. Anh có cơ hội kết bạn với những người bạn cùng cảnh ngộ trên mọi miền đất nước tại các diễn đàn người khuyết tật. Có khiếu làm thơ, anh sáng tác những vần thơ, nhật ký đưa lên mạng. Từ đó, anh có thêm nhiều niềm vui. Căn nhà lạnh lẽo của anh được sưởi ấm bằng những vần thơ nói về cuộc đời và những trăn trở của mình.

Bỏ đất Thủ đô đi theo tiếng sét ái tình

Vượt qua nỗi bi quan, anh luôn khao khát có một gia đình đúng nghĩa và bình thường như bao người khác. Nhưng những suy nghĩ ấy thoáng qua rồi vụt tắt, anh không dám mơ, không dám nghĩ tới. Vậy nhưng, anh chẳng thể nghĩ được rằng người vợ của mình hiện tại bây giờ lại từ bỏ cả đất Thủ đô để về chăm sóc cho anh.

Anh Tiến kể, vợ anh là chị Trần Thị Thi quen nhau qua một người bạn giới thiệu. Chị Thi là người Hà Nội cũng có hoàn cảnh giống anh khi bố mẹ mất sớm và khuyết tật cứng gối một chân. Chiếc điện thoại trở thành cầu nối cho hai tâm hồn.

Mới đầu là những chia sẻ, động viên như những người bạn, hai người nói chuyện với nhau rất hợp. Lâu dần thành quen, rồi nhớ. Vào mùng 4 Tết năm 2012, anh quyết định “đánh liều” ngỏ lời với chị.

Sau một thời gian, chị quyết định xin phép gia đình để về chung một nhà với anh. Khi biết tin chị Thi yêu một người ngồi xe lăn như anh Tiến, người nhà chị đã kịch liệt phản đối cho rằng chị đã thiệt thòi từ nhỏ, giờ gắn kết cuộc đời với một người như anh Tiến sẽ phải khổ. Một người như anh Tiến thì sẽ làm được gì, rồi chuyện sinh nở sẽ như thế nào?... Thậm chí, người nhà còn nhốt lại, đòi từ mặt nếu chị vẫn nhất quyết lấy anh Tiến.

“Khi đó thực sự tôi cảm thấy rất tủi thân. Cũng là con người, nhưng tại sao người khuyết tật lại không được yêu và bị cấm đoán. Giá như đôi chân không bị tật nguyền, chắc chắn mình sẽ được yêu như bao người. Trong giây phút chán chường nhất, Thi xuất hiện ôm chầm lấy tôi và khóc như mưa. Hóa ra cô ấy đã bỏ trốn vào đây và quyết định cả đời này sẽ theo tôi”, anh Tiến kể.

Cuộc sống mới đầy rẫy những khó khăn, với những người bình thường cũng đã vất vả rồi chứ đừng nói đến những người tật nguyền như anh chị. Với chất giọng mượt mà vốn có, anh Tiến đã chuyển sang nghề hát rong. Chị đẩy xe lăn đưa anh đi khắp nơi để hát rong kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. 6 năm sau ngày chị Thi về chung sống cùng anh, dù chưa được tổ chức đám cưới nhưng anh chị vẫn luôn hạnh phúc. Từ một người độc thân cô đơn, anh Tiến đã có vợ và một cậu con trai. Cuộc sống của anh chị dần ổn định và gia đình cũng chấp thuận.

Nói về quyết định bỏ “trốn” gia đình vào gắn bó với anh Tiến suốt 6 năm qua, chị Thi chia sẻ: “Với tôi, đó là những ngày tháng cực khổ nhất, tôi phải tự đấu tranh với gia đình và chính bản thân mình để gìn giữ hạnh phúc. Tôi cảm thấy không ân hận khi bỏ trốn về làm vợ anh Tiến. Dù hoàn cảnh, kinh tế còn rất khó khăn nhưng với tình yêu, vợ chồng tôi vẫn cố gắng vượt qua”.

Anh Tiến cho biết, hai anh chị mới chỉ làm đăng ký kết hôn. Cách đây 6 năm, chị Thi đẩy anh đi xe lăn lên tận trung tâm huyện để chụp một tấm ảnh cưới lưu niệm vào ngày 14/2. Sau đó, chị Thi lại đẩy anh về UBND xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Quãng đường khoảng 10km đi bộ ấy là kỉ niệm đáng nhớ với vợ chồng anh chị. Anh vẫn luôn ao ước có một đám cưới thực sự để bù đắp cho hi sinh của vợ. Cho đến ngày 23/6/2018 vừa qua, anh chị mới được tổ chức đám cưới đúng nghĩa khi được có mặt trong sự kiện đám cưới tập thể dành cho 40 cặp đôi khuyết tật tổ chức tại Hà Nội. Ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh người vợ của mình, anh Tiến nghẹn ngào hạnh phúc. Trên khuôn mặt rạng rỡ của anh ánh lên niềm tin về tình yêu, cuộc sống mới.

Tác giả: Hà My

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok