Trong tỉnh

Chuyện về “Con đường Súng”

Năm 12 tuổi, ông Chá Vá Súng ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị tai nạn phải giảm đau bằng thuốc phiện, rồi từ đó mãi vật vã trong cơn nghiện ngập mê muội...

Để làm lại cuộc đời, ông đã tự mình cai nghiện bằng một phương pháp “không giống ai” nhưng lại đặc biệt hữu ích với cộng đồng, thôn bản. Trong ba năm, ông Chá Vá Súng đã tự nguyện mở hai con đường trên núi đá là một kỳ tích mà kể cả những người bình thường khỏe mạnh cũng khó ai có thể làm được.

Giờ đây, những con đường mà Chá Vá Súng đã làm nên trong những tháng ngày cai nghiện được người dân thôn bản nơi miền sơn cước này đặt cho cái tên trìu mến là “Con đường Súng”.

Trong cuộc hành trình về với vùng quê nơi đầu nguồn sông Mã, con đường mà chúng tôi đang đi để đến với bản Hua Pù có thể nói là do “một tay” ông Chá Vá Súng “khai sơn, phá thạch” mà nên... Câu chuyện trong ngôi nhà sàn xưa cũ của ông giúp chúng tôi hình dung được phần nào quãng thời gian đen tối khi ông còn là một con nghiện... Từng trang, từng trang cuộc đời người đàn ông này đã dần dần hiện ra như một cuốn phim quay ngược.Một góc Pù Nhi.

Một góc Pù Nhi.

Chá Vá Súng rầu rầu kể lại: “Năm 12 tuổi, đúng vào dịp Tết, mình cùng đám trẻ trong bản rủ nhau lên rừng chặt cành đào. Trong lúc chặt, không may mình bị trượt chân ngã xuống vách núi, mê man bất tỉnh gần 10 tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy, toàn thân nhức nhối, lồng ngực tức buốt, khó thở. Nhìn mình bị những cơn đau hành hạ, vì thương con, bố mình đã đưa thuốc phiện cho mình hút để giảm bớt những cơn đau...

Lúc đó hút vào, mình thấy cơn đau như được xoa dịu. Một lần, hai lần... khi vết thương lành thì mình cũng trở thành con nghiện...”. Kể từ đó, cuộc đời Súng là vòng tròn luẩn quẩn, tối ngày đầu óc chỉ tơ tưởng đến cái bàn đèn. Ngày nào mà không có vài bi vào người, là chân tay cứ bứt rứt, bủn rủn, không làm được việc gì.

Đến tuổi thanh niên, như bao người con trai trong bản, Súng cũng lập gia đình... Vàng Thị Mảy - vợ Súng chua chát bảo, ngày đó con trai Mông nghiện gần hết, không lấy Súng thì biết lấy ai... Hơn nữa, hai đứa mình thương nhau nên cứ lấy nhau thôi.

Nhưng có vợ rồi, càng ngày Chá Vá Súng càng nghiện nặng. Của cải, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt “chui qua lỗ xe điếu” của Súng mà ra đi. Nhớ câu tục ngữ của tổ tiên người Mông: “Ruộng không cày không xốp/ Người không khuyên không tỉnh”, Mảy cũng đã nhiều lần thủ thỉ tỉ tê, với hy vọng Súng sẽ hiểu ra mà từ bỏ cái chất độc chết người đó, nhưng mọi công lao, sự cố gắng, nỗ lực của Mảy không hề được đền đáp.

Trước tệ nạn thuốc phiện, ma túy hoành hành ở Pù Nhi, các cán bộ đồn biên phòng Pù Nhi đã nhiều lần đến bản vận động tuyên truyền, khuyên nhủ bà con từ bỏ “nhựa nâu, bột trắng” của thuốc phiện... Những “lời nói phải” của các cán bộ và vợ con, dân bản dẫu “khó nghe” đến mấy, thì lâu dần cũng có những tác động nhất định đối với Súng, kịp khiến anh giật mình nhìn lại...

Quyết tâm từ bỏ thuốc phiện, Chá Vá Súng băng rừng tìm đến nhà một thầy lang có bài thuốc cai nghiện nổi tiếng ở bản Pù Quăn, xin thuốc về uống. Rất tiếc bài thuốc gia truyền đó đã không thể khiến Chá Vá Súng dứt được cơn thèm thuốc...

Nhưng điều đó không làm Súng nản, ngược lại Súng càng quyết tâm hơn. Súng biết rất rõ rằng, đối với một người nghiện “thâm niên” như mình, cái độc hại của thuốc phiện đã ăn sâu vào từng mạch máu, thớ thịt, xương cốt, tâm can rồi. Muốn loại bỏ được hẳn, phải bấm chí kiên gan thôi.

Vậy là, Súng bắt đầu “cuộc chiến” nhằm tiêu diệt hoàn toàn “con sâu thuốc phiện”, không để nó đục rỗng tâm can mình thêm nữa. Tạm biệt vợ con, Súng “chuyển nhà” vào rừng sâu. Hàng ngày, ông đào củ mài, hái rau dại để ăn, đêm về co ro trong hang đá hoang lạnh.

Những lúc lên cơn thèm thuốc, Súng lại chạy khắp trong rừng như con thú bị thương, đến lúc kiệt sức thì gục xuống, thiếp đi. “Thấy ông ấy lao vào làm hùng hục, tay chân cứ tóe hết cả máu ra, tôi và các con thương quá mới khuyên ông ấy về. Ông ấy không nghe mà còn làm hăng hơn. Đập đá, san đất, cứ băng băng...”, bà Mảy nhớ lại.Ông Chá Vá Súng và “Con đường cai nghiện”.

Ông Chá Vá Súng và “Con đường cai nghiện”.

Phút trải lòng, Chá Vá Súng lý giải về cách cai nghiện “độc nhất vô nhị” của mình: “Mình vào rừng là để không phải nghĩ, không phải nhớ và không phải nhìn thấy... “con ma túy” nữa. Thế mà nhiều lúc thèm thuốc đến điên dại, mình đã định buông xuôi đầu hàng. Nhưng tình cảm gia đình và sự nhiệt tình của các cán bộ tuyên truyền đã tiếp thêm sức mạnh giúp mình tránh xa được thuốc phiện”.

Sau mấy tháng “hành xác” nơi rừng thiêng nước độc, “con ma nghiện” đã phải chịu đầu hàng trước ý chí của Súng. Ông trở về trong niềm vui và sự cảm phục của gia đình, làng bản. Nhưng từng đó thời gian chưa đủ để Súng có thể quên hẳn cái chất nhựa nâu ma mị vốn đã ngấm sâu vào thân thể mình.

Thế nên, khi trở về bản, nhìn thấy người ta hút, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện, ông vẫn bị dao động. Trước nguy cơ tái nghiện luôn rình rập, một lần nữa, Chá Vá Súng lại lên dây cót tinh thần, quyết tâm vượt qua chính mình, chiến thắng sự cám dỗ của “con ma thuốc phiện”, không để bao công sức cai nghiện biến thành “dã tràng xe cát”...

Bản Hua Pù của Chá Vá Súng nằm ở vùng rừng núi biên cương, việc đi lại rất khó khăn, vất vả. Muốn di chuyển từ bản này sang bản khác phải mất hàng ngày trời vì không có đường... Thế là, mỗi khi lên cơn thèm thuốc, Súng lại xách dụng cụ ra đầu bản, xẻ núi đá làm đường để quên đi cơn nghiện. Ông làm như chưa bao giờ được làm...

Cứ hùng hục vắt đến cạn kiệt cả sức lực, nhưng bất ngờ là càng làm càng thấy khỏe ra... Cảm giác như cái độc hại của thuốc phiện đã ngấm sâu trong máu thịt cũng theo những dòng mồ hôi mà đào thải khỏi con người Súng. Thân thể, tay chân không còn bủn rủn, bứt rứt như lúc còn say thuốc nữa... Đầu óc cũng thấy nhẹ nhõm, sảng khoái... Ngửi hơi thuốc, không còn vật vã, thèm thuồng như trước đây nữa.

Con đường nối từ bản Hua Pù đến bản Pục Chiên dài khoảng hơn 3 cây số. Trước đây, khi chưa có con đường này, để qua lại giữa hai bản, người dân phải đi đường rừng hết nửa ngày trời. Và rồi khi Chá Vá Súng cai nghiện thành công, đoạn tuyệt hẳn với cái bàn đèn, thì việc xẻ núi đá, đốn cây rừng cũng đã tạo nên một con đường liên thôn dài hơn 3 cây số nối từ bản Hua Pù đến bản Pục Chiên, giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Bây giờ, cũng đoạn đường đó, người ta chỉ mất chừng 30 phút đi bộ. Ông cũng “thừa thắng xông lên” để lập kỷ lục mới là tiếp tục mở một con đường dài hơn 2km nối bản Hua Pù với bản Cá Nọi, khiến ai ai cũng cảm kích, nể trọng.

Từ khi cai nghiện thành công, Súng còn trở thành một “tuyên truyền viên” của thôn bản. Bằng bài học và kinh nghiệm của đời mình, ông nhiệt tình sẻ chia, vận động những người không may dính vào “nhựa nâu”, “bột trắng”, giúp họ sớm tỉnh ngộ... Trong cuộc chuyện trò cùng ông Chá Vá Súng, có ai đó chợt nhắc đến những trường hợp cai nghiện được 10, thậm chí 20 năm sau lại bị tái nghiện.

Nghe vậy, Súng chìa hai bàn tay sẹo chai chằng chịt do phá đá mở đường rồi như tự nói với chính mình: “Cứ nhìn hai bàn tay từng tóe máu tươi, nham nhở vết sẹo vì đá đập, đá cứa là mình nhớ lại những ngày tháng khổ sở vì thiếu thuốc, có lúc quẫn trí đến mức tự hành hạ bản thân để kết liễu đời mình... Khủng khiếp, đáng sợ lắm...

Với lại, bàn tay này của mình còn đủ mạnh để làm thêm nhiều con đường nữa..., mình phải làm, phải đi con đường khác, không thể quay về con đường cũ được”.

Trên đường về, ngang qua “Con đường Súng” nối liền hai bản nhỏ đang được Nhà nước đầu tư đổ bê tông chắc chắn, đoàn công tác chúng tôi gọi những con đường mà ông Chá Vá Súng đã và đang làm nơi đây, con đường mà ông Súng đang đi là “con đường sáng”, “con đường đúng”, con đường đến với bình yên, ấm no và hạnh phúc...

Tác giả: Tuệ Lâm

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok