Thể thao

Chuyển nhượng Premier League: Điên rồ nhưng chưa đủ thành công?

Số tiền chuyển nhượng của các CLB tại Premier League tăng lên chóng mặt trong giai đoạn sau năm 2010 nhưng chúng chưa đem lại những thành công đúng như kỳ vọng của các đội bóng.

Mùa hè điên rồ của Premier League

Còn hơn 1 tháng nữa thì kỳ chuyển nhượng mùa hè mới kết thúc, thế nhưng, hiện tại, con số chi tiêu của các CLB đã vượt ngưỡng 800 triệu bảng - xấp xỉ với mùa giải 2014/15 và 2015/16.

Tổng chi của các CLB tại Premier League trong vòng 13 năm qua.

Có một xu hướng của thị trường chuyển nhượng Premier League, đó là xu hướng dùng tiền mua danh hiệu. Các CLB tại đây đều vung tiền mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2011 - thời kỳ cực thịnh của Chelsea và Manchester City - hai đội bóng lớn mạnh nhờ túi tiền không đáy của các ông chủ giàu có.

Mùa hè năm nay, các đội bóng cũng đã bạo chi. Chưa kể đến các ông lớn, Everton với tiềm lực tài chính không quá mạnh cũng chi ra hơn 100 triệu bảng để tuyển mộ 6 tân binh. Những cái tên như Jordan Pickford (30 triệu bảng), Michael Keane (26 triệu bảng)... đủ sức tạo ra sức mạnh cho Everton.

Man City là đội bạo chi nhất với 230 triệu bảng dành cho việc tuyển mộ các tân binh. Họ có được đội hình "đắp tiền" với hơn 730 triệu bảng được ném qua cửa sổ và nếu đơn giản là không vô địch, Man City sẽ thất bại hoàn toàn.

MU không mua nhiều nhưng cũng đã mất hơn 100 triệu bảng cho 2 tân binh còn Arsenal lại tiếp tục phá vỡ kỷ lục với 46 triệu bảng của CLB với thương vụ Alexander Lacazette. Chelsea bạo chi cho Alvaro Morata, Ruediger và rất có thể là Alex Sandro nữa. Liverpool của Juergen Klopp nổi tiếng keo kiệt cũng đã bỏ ra tới 35 triệu bảng dành cho Mohamed Salah.

Tiền mang lại thành công?

Trở lại với hai đội bóng bạo chi để mua danh hiệu: Man City và Chelsea. Họ cùng đã chi ra hơn 600 triệu trong vòng 6 năm qua.

Trong giai đoạn này, Man City đã có 06 danh hiệu lớn nhỏ, bao gồm: 02 Premier League (2011/12, 2013/14), 02 cúp Liên đoàn Anh (2013/14, 2015/16), 01 siêu Cúp Anh (2012/13) và 01 cúp FA (2010/11). Quan trọng hơn, nhờ chi tiền, Man City đã giải được cơn khát danh hiệu kéo dài từ năm 1976. Số tiền mà Man City chi ra trong thời điểm này lên tới 631,5 triệu bảng.

Johnstone - bản hợp đồng đắt giá của Man City thi đấu trước Chelsea.

Chelsea cũng rất thành công trong giai đoạn này. Họ có cho mình: 02 Premier League (2014/15, 2016/17), 01 FA Cup (2011-2012), 01 Cúp Liên đoàn (2014/15), 1 Champions League (2011-2012), 1 UEFA cup (2012-2013). Chelsea trong giai đoạn này cũng tiêu tốn 601 triệu bảng.

Đây cũng là thời điểm, giá trị các cầu thủ tại Premier League tăng chóng mặt. Gần như tất cả các kỷ lục về chuyển nhượng trên thế giới cũng như tại chính các CLB đều đã bị phá bỏ.

Tại Chelsea, một Fernando Torres đang ở đỉnh cao phong độ chỉ có giá 50 triệu bảng - và anh chuyển tới từ CLB Liverpool - cùng trong Premier League với mức giá đã bị đội lên đôi chút.

Đây là chiến tích tuyệt vời nhất của các CLB Premier League trong suốt 6 năm qua.

Năm 2017, Chelsea đã phá bỏ kỷ lục của mình với việc mang về một canh bạc mang tên Alvaro Morata - cầu thủ chỉ thành danh tại Ý và Tây Ban Nha - nơi môi trường bóng đá chậm hơn rất nhiều so với tại nước Anh. Giá của Morata hơn 20 triệu bảng so với Fernando Torres.

Man City thì khỏi nói. Họ đã nhiều lần phá kỷ lục chuyển nhượng. Họ có Kyle Walker - hậu vệ phải đắt giá nhất thế giới vào thời điểm hiện tại sau khi chi ra 45 triệu bảng. Johnstone - trung vệ đắt giá nhất: 47,5 triệu bảng và Benjamin Mendy, 52 triệu bảng - hậu vệ trái đắt giá nhất.

Đội hình các cầu thủ đắt giá nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Đó là chưa kể tới những thương vụ như Kevin De Bruyne - giá 68,6 triệu bảng năm 2015 - cũng từng là kỷ lục chuyển nhượng của CLB, Sergio Aguero 38 triệu bảng... Nếu MU mua Wayne Rooney - tượng đài của họ với giá 27 triệu bảng thì cũng với từng ấy tiền, sau 13 năm, Man City chỉ có thể mang về Danilo - một siêu dự bị của Real Madrid.

Bản thân MU cũng có một mùa chuyển nhượng chưa thành công nhưng cũng khá điên rồ. Mức phí 75 triệu bảng cho "á quân" vua phá lưới Romelu Lukaku gần tương đương với những gì họ bán Ronaldo cho Real Madrid 7 năm trước.

Ngoài ra, Victor Lindelof đang trên đường trở thành món hàng hớ với những màn trình diễn thảm họa trên đất Mỹ. Năm 2012, MU chỉ cần chi ra 55 triệu bảng cho thị trường chuyển nhượng - trong đó có 23 triệu bảng dành cho Robin Van Persie nhưng họ có chức vô địch Premier League lần thứ 20 trong lịch sử.

Man City năm ngoái cũng là đội bạo chi nhất.

Năm 2014, MU chi 184 triệu bảng - và trong đó có bản hợp đồng kỷ lục Di Maria nhưng cũng chỉ có được vị trí thứ 4 và suất tham dự Champions League. MU của Jose Mourinho thậm chí còn bi đát hơn khi chỉ có thể tham dự Champions League năm 2017 với suất đi vòng từ Europa League dù có trong đội hình bản hợp đồng đắt giá nhất thị trường chuyển nhượng - Paul Pogba (89 triệu bảng).

Như vậy, vấn đề mua danh hiệu với các CLB Premier League gần như chỉ mang về cho họ những danh hiệu quốc nội. Tại Champions League, trong giai đoạn này, hầu hết các đội bóng Anh đều thất bại thảm hại và bị loại sớm, chỉ có Chelsea có thể vô địch vào mùa giải 2011/12.

Pogba đắt nhưng chưa tạo ra được thành công lớn cho Quỷ đỏ.

Tóm lại, dùng tiền mua danh hiệu chưa phải là con đường đi đúng đắn của các đại gia nước Anh. Họ chi ra nhiều nhưng kết quả không được như mong muốn. Thực tế là MU, Arsenal, Liverpool đều ngày càng thụt lùi so với quá khứ nhường chỗ cho Chelsea và Man City vươn lên. Nhưng khổ nỗi là hai đội bóng này quá yếu bóng vía ở đấu trường châu lục.

Có lẽ hướng đi đúng hơn cho Premier League là sử dụng nhưng HLV ngoại, những bậc thầy về chiến thuật như Jose Mourinho, như Pep Guardiola ... thực sự cần thiết để nâng cấp bóng đá Anh hơn là họ cứ vung tiền để mua cầu thủ.

Tác giả: Khánh Huy

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok