Pháp luật

Chuyển lậu gần 1 triệu USD từ Trung Quốc vào Việt Nam

Vì hám lợi, nhiều người đã vận chuyển một số lượng tiền, vàng lớn trái phép qua biên giới. Ngoài mục đích rửa tiền, việc vận chuyển tiền mặt trái phép qua biên giới còn nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho lực lượng điều tra.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ chuyển lậu tiền qua biên giới

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện, thu giữ gần 1 triệu USD của một đối tượng có quốc tịch Trung Quốc khi người này vượt biên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đối tượng vận chuyển có tên là Lý Gia Kỳ, SN 1991, quốc tịch Trung Quốc. Sau khi nhập cảnh trái phép, đối tượng Kỳ có ý định vận chuyển 930 nghìn USD đi Quảng Ninh, nhưng đến Trạm kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt đã bị phát hiện và bắt giữ. Toàn bộ số tiền gồm 9.300 tờ tiền có mệnh giá 100 USD Kỳ mang theo đều là tiền thật.

Trước đó, vào ngày 16/3, Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Nậm Cắn bắt quả tang đối tượng Mùa Bá Chò (SN 1987, bản Đồng Dưới, xã Sơn Tây, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Chò mang trong người 2,002 tỷ VNĐ vượt biên giới Việt Nam – Lào theo đường mòn thì bị phát hiện, bắt giữ.

Đối tượng Lý Gia Kỳ.


Tháng 4/2016, một vụ vận chuyển tiền, vàng trái phép với số lượng lớn qua biên giới đã bị lực lượng Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, An Giang bắt giữ. Bốn nữ nghi phạm mang quốc tịch Campuchia đã tham gia vận chuyển trái phép 49,81 lượng vàng, 986,85 triệu tiền Việt Nam, 4.825 USD và 809 ngàn tiền Campuchia, 4 điện thoại di động đã qua sử dụng (tổng trị giá tài sản khoảng 3 tỷ đồng).

Ở An Giang, vào hồi đầu tháng 2/2015, lực lượng Biên phòng cửa khẩu Sông Tiền và Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương trong khi tuần tra trên sông Tiền đã phát hiện và bắt giữ 1 người phụ nữ mang theo bọc tiền gồm 55.720.500 Riel Campuchia, tương đương với 294 triệu đồng tiền Việt Nam.

Tại Đồng Tháp, tháng 12/2014, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công an huyện Tân Hồng, đồn Biên phòng cửa khẩu Thông Bình bắt quả tang đối tượng Lê Văn Thương (SN 1980, ngụ tỉnh Đồng Tháp) vận chuyển gần 1 tỉ đồng Việt Nam từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Lần theo đường dây, cơ quan điều tra đã bắt giữ khẩn cấp Lâm Thị Mến. Tại nhà riêng của Mến, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tờ tiền Campuchia và nhiều giấy tờ có liên quan đến việc giao dịch, vận chuyển tiền tệ trái phép với các đối tượng khác, ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan Hải quan nhiều lần bắt giữ được tang vật là USD và tiền đồng Việt Nam xuất lậu qua biên giới Campuchia.


Còn ở Tây Ninh, ngày 4/1/2015, Công an huyện Trảng Bàng phối hợp với Chi cục Hải quan, đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài phát hiện 4 đối tượng có hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 106 triệu đồng, 36.000 USD, 4 điện thoại di động và các giấy tờ khác.

Trước đó, vào tháng 8/2014, Công an huyện Tân Biên phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Cục Hải quan Tây Ninh) phát hiện Tan Zheng (quốc tịch Trung Quốc) giấu 18,2 tỷ đồng Việt Nam. Đối tượng này khai nhận đã thuê ô tô Campuchia vận chuyển tiền từ Việt Nam qua cửa khẩu cho Liu Wei (quốc tịch Trung Quốc) đã xuất cảnh sang Campuchia trước đó và đang chờ nhận tiền.

Trong năm 2015 và những ngày đầu tháng 1/2016, các cơ quan chức năng Tây Ninh đã kiểm tra, bắt giữ gần 15.000 USD, trên 8 tỷ đồng tiền Việt Nam vận chuyển qua lại biên giới không khai báo. Lực lượng Hải quan và Biên phòng đã khởi tố hình sự 13 vụ, 14 đối tượng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Thủ đoạn chuyển tiền lậu rất tinh vi

Trên đây chỉ là một số vụ vận chuyển tiền lậu qua biên giới điển hình. Số vụ vận chuyển tiền lậu trên thực tế có rất nhiều. Bởi tình trạng vận chuyển tiền lậu qua biên giới đã tồn tại khá lâu và phát triển với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh) cho biết trên báo Đời sống và Pháp luật: "Nhiều đối tượng rửa tiền bằng cách đưa tiền lậu sang biên giới rồi mua hàng hóa đưa về Việt Nam. Các đối tượng còn táo bạo đưa tiền lậu giấu vào các hàng hóa lậu như rượu, bia, thuốc lá. Thực tế, việc ngăn chặn hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép rất gắt gao và chú trọng, chưa chặt chẽ trong khâu xử lý vận chuyển hàng lậu nên nhiều đối tượng đã đưa tiền lậu núp bóng hàng lậu".

Tang vật một vụ vận chuyển tiền lậu.


Ông Khánh cho biết thêm, ngoài các cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu hàng không cũng đang được các đối tượng rửa tiền khai thác triệt để.

Nhiều ý kiến cho rằng, do cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của các quốc gia có mức độ chặt chẽ khác nhau, nên tội phạm có xu hướng vận chuyển tiền mặt có được từ hoạt động bất hợp pháp tới quốc gia có cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố yếu kém hơn. Ngoài mục đích rửa tiền, việc vận chuyển tiền mặt qua biên giới còn nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho lực lượng điều tra.

Thủ đoạn chuyển tiền lậu rất tinh vi


Theo đánh giá của lực lượng chức năng, công tác phòng chống rửa tiền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hoạt động vận chuyển tiền tệ trái phép cũng là một trong những hoạt động rửa tiền của tội phạm, nhất là ở khu vực cửa khẩu, biên giới.

Ngoài mục đích rửa tiền, các lực lượng chuyên trách cho rằng, việc vận chuyển tiền mặt trái phép qua biên giới còn nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho lực lượng điều tra.

So với hàng hóa buôn lậu qua biên giới thì tiền tệ không cồng kềnh, lại có giá trị lớn và thù lao thuê vận chuyển rất cao nên đã thu hút khá nhiều người tham gia vào hoạt động này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và phát hiện các đối tượng vận chuyển tiền lậu.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok