Giáo dục

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Sinh viên Việt thiếu nhất sự tự tin giao tiếp”

Bà Phạm Chi Lan trăn trở khi sinh viên Việt có khoảng cách rất xa về sự tự tin trong giao tiếp nếu so với bạn trẻ các nước trên thế giới cùng trình độ. Đa phần các em lúng túng, bị ngợp khi nói chuyện với những người có vị trí cao, e ngại phát biểu, thiếu hụt kỹ năng chất vấn…

Nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ quý báu, cởi mở với các sinh tại tọa đàm "Xu hướng nghề nghiệp trong thời kỳ hội nhập & sự chuẩn bị của sinh viên" do khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và CPA Australia tổ chức ngày 23/9.

Đặt cơ hội việc làm của sinh viên (SV) trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau, bà Phạm Chi Lan chỉ rõ điểm yếu và thiếu của SV Việt trong thị trường lao động không biên giới.

Nhiều năm làm việc trong nước và quốc tế, bà Chi Lan nhận thấy người trẻ Việt thiếu nhất sự tự tin trong giao tiếp. Sự lúng túng, rụt rè, e ngại gây bất lợi cho họ trong quá trình ứng tuyển vào các vị trí công việc cũng như xây dựng, phát triển mạng lưới quan hệ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại khi sinh viên Việt thiếu hụt kỹ năng.


“Nhiều SV quốc tế gặp tôi để hỏi về những điều họ cần, khi tôi say sưa chia sẻ thì gặp bất cứ chỗ nào cần họ sẽ dõng dạc nói “xin lỗi” để ngắt lời và hỏi thêm khía cạnh khác. Tất cả cái đó họ làm rất tự tin, thoải mái, không ngần ngại. Ở Việt Nam thì trái ngược - các bạn e ngại, không dám giơ tay phát biểu hoặc chất vấn thì lại càng khó hơn”, bà lo ngại.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tự tin là cái gốc để người trẻ thành công trong cuộc sống. Vào đời nếu không có sự tự tin thì ngay phỏng vấn tuyển dụng cũng nhiều phần bị loại. Sự tự tin chỉ có được khi các bạn học hành tốt, có điều gì đó đủ để làm vốn mình.

“Kiến thức không biết có thể hỏi Google nhưng thiếu kỹ năng mềm thì tai hại. Kỹ năng là cái nền ban đầu đi mình bắt đầu đi. Thiết nghĩ, nhà trường cần hết sức quan tâm đào tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên chứ không phải mỗi kiến thức”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Bà Chi Lan cũng nhấn mạnh, chất lượng giáo dục và đào tạo hiện vẫn còn nhiều bất cập khi chưa dự báo được nhu cầu của thị trường lao động cũng như chưa phân khúc rõ định hướng đào tạo giữa các ngành nghề. Từ đó dẫn đến việc đào tạo chung chung, dàn trải về chuyên môn, nặng về mặt lí thuyết mà chưa chú trọng đến thị trường, nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Thêm một vấn đề nữa, bạn trẻ Việt rất thông minh nhưng thiếu sự phối hợp, tinh thần “teamwork”. Trong khi đó lại là từ khóa hàng đầu làm nên thành công của mỗi cá nhân.

Đồng tình quan điểm, với 18 năm kinh nghiệm quản lý, tuyển dụng trong và ngoài nước, ông Lê Thế Việt, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Grant Thornton cho rằng, SV Việt rất thông minh nhưng khả năng làm việc nhóm không ổn.

Theo ông Việt, các bạn trẻ rất thích “chat chit” trên mạng nhưng lại kém ở khả năng giao tiếp, thuyết phục ở đời thực với mọi người.

Vị này nhắn nhủ các bạn trẻ: “Tham gia hoạt động tập thể để nhìn thấy mình thiếu ở đâu, cần học thêm những gì. Học ở đại học rất tốt nhưng chưa đủ, chúng ta phải học tiếp nữa để phục vụ chuyên môn công việc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay phải cố gắng kiếm chứng chỉ quốc tế. Đó là hành trang để các bạn lập thân, lập nghiệp”.

Ông Ngô Quang Xuân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhấn mạnh, các bạn trẻ thời nay có lợi thế về tiếp cận thông tin.

Ông Ngô Quang Xuân (ngoài cùng bên phải) - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ nhắn nhủ bạn trẻ trau dồi các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, quan hệ đối tác...


Cũng theo ông Ngô Quang Xuân, để thích nghi với điều kiện của thị trường sắp tới, sinh viên phải được định hướng nghề nghiệp rõ ràng dựa trên năng khiếu của mình, học nghề gì để sau ra trường có việc làm. Hơn hết, phải gắn đào tạo với thực hành, cùng với đó là cải thiện kỹ năng mềm để chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước chân vào thị trường lao động.

“Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận diện vấn đề, kỹ năng đàm phán, kỹ năng để quan hệ với từng đối tác ở các nước khác nhau trên thế giới. Ngay từ những điều nhỏ nhất như cái bắt tay, ôm hôn đối tác thế nào cho đúng... Những kỹ năng vô cùng cần thiết và cũng là khoảng mênh mông để các bạn học hỏi, hội nhập”, ông Xuân nhắn nhủ.

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi với các vị khách mời.


“Mở to mắt để nhìn, để học”

Trong bối cảnh hiện nay, SV cần sớm chủ động xác định tâm thế cho công việc tương lai, từ đó rèn luyện những phẩm chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng mặt bằng chung người trẻ Việt vượt lên.

“Làm thế nào để bạn trẻ có một công việc tốt và cuộc sống hạnh phúc?”

Dùng quãng đời miệt mài lao động, cống hiến của mình để chiêm nghiệm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân bà đã mở to mắt ra để nhìn, quan sát, nhận biết, học hỏi.

“Trường đời là trường quan trọng nhất so với thứ khác. Mở mắt to ra vượt lên tầm nhìn nhỏ hạn hẹp của mình, gia đình mình, cụm dân cư mình sinh sống... Nhìn thấy sự hạn chế của mình ở đâu để cố gắng bồi đắp hoàn thiện”. Đó là tâm thế sống và học tập của nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Bà tâm sự: “Tôi vẫn nói đùa mình có hàng nghìn người thầy. Những năm 50-60 ở Việt Nam liệu có mấy ai dạy tiếng Anh chuẩn. Vậy là với mỗi người bạn quốc tế được gặp, tôi cố gắng học họ các khái niệm, cách diễn đạt mới”.

Ông Lê Thế Việt Anh lưu ý với các bạn trẻ nguồn học quan trọng từ sách. Theo chuyên gia này, bố mẹ rất khó dạy các bạn trẻ về kỹ năng mềm, thuyết trình thành công nhưng sách có thể làm được. Các bạn không nên để văn hóa nghe nhìn lấn án văn hóa đọc. Đồng thời, các bạn cũng nên đầu tư thời gian chăm sóc sức khỏe, có thái độ sống tích cực, sự tự tin, lạc quan và tinh thần học hỏi không ngừng.

MC Ngô Phương Lan cho rằng, tinh thần tận tâm và giỏi chuyên môn là lợi thế cạnh tranh của mỗi bạn trẻ.


Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan - MC chương trình lại nhấn mạnh với các bạn trẻ tầm quan trọng của tinh thần làm việc trung thực, chăm chỉ, tận tâm.

“Ai cũng muốn làm lãnh đạo, ai cũng nghĩ mình phải làm quản lý, giám đốc. Nhưng sự thật, công việc nào cũng rất cần người có chuyên môn, chuyên tâm.

Khi làm việc với ê kip quay phim ở Hollywood sang Việt Nam, tôi gặp một người chỉ làm nghề quấn dây máy quay phim. Anh ấy đã làm công việc đó 20 năm, không ai làm giỏi bằng anh ấy và anh ta có mức thu nhập cao. Người này cũng không nghĩ trong đầu một ngày nào đó từ công việc quấn dây sẽ nâng lên thành nhà quay phim, sản xuất”, nữ MC kể.

MC Phương Lan lưu ý, bạn trẻ Việt nên thay đổi suy nghĩ phải là “ông to, bà lớn”, giám đốc, nhà quản lý mà hãy làm thật tốt chuyên môn của mình. Đó sẽ là cạnh tranh so sánh của các bạn so với 1 triệu người khác trong thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok