Đó là tâm trạng của rất nhiều người những ngày qua kể từ khi thông tin về nhường suất cứu trợ được loan đi trên báo chí cho đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa ban lệnh xuống cơ sở: Cấm vận động hoặc ép người dân ký đơn tự nguyện không nhận tiền cứu trợ!
Chủ trương của nhà nước, cụ thể là gói an sinh 62.000 tỉ đồng dành cho khoảng 20 triệu người trong nước bị mất việc, giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19 là kịp thời và đúng đắn, chuyện đó khỏi phải bàn. Nhưng đúng như lo ngại từ đầu, khi triển khai thực hiện sẽ khó tránh méo mó, tiêu cực.
Tiêu cực không đến từ phía người dân mà chính từ đội ngũ nhân sự thực thi nhiệm vụ phân bổ tiền cứu trợ ở thôn, xã. Đội ngũ này thỉnh thị chủ trương từ cấp trên một cách rất cụ thể và rõ ràng, vậy mà vẫn làm bậy. Thay vì phải phát đúng và phát đủ cho đối tượng được thụ hưởng thì họ làm ngược lại.
Cái cách làm ngược của họ cũng thật trớ trêu: Soạn sẵn đơn, chỉ chừa mấy chỗ điền họ tên và nơi ở rồi in ra giấy, đưa tới tận nhà dân, vận động họ điền tên, ký vào. Nhiều người ký mà không biết nội dung gì. Có nơi trưởng thôn ép dân ký... đơn tự nguyện không nhận tiền cứu trợ.
Việc khó thế mà cán bộ thôn, xã cũng nghĩ ra được! Sau khi bị dư luận nghi ngờ về bản chất sự việc, tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc làm rõ và chỉ đạo thu hồi toàn bộ đơn in sẵn, nghiêm cấm việc vận động hay ép buộc người dân không nhận tiền cứu trợ, phải trao tiền tới tay đối tượng được nhận...
Rốt cuộc thì không biết các trưởng thôn cố ý làm trái như vậy với mục đích gì. Họ vận động (hoặc ép buộc) người dân không nhận tiền từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng của Chính phủ (đã phân bổ về tới cơ sở) thì những khoản này sẽ được chi dùng vào đâu? Vào việc chung hay túi riêng?
Nghi vấn đó cần phải chờ cấp thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa làm rõ. Thêm một câu hỏi nữa cần được trả lời: Đối tượng được cứu trợ là hộ nghèo và cận nghèo, mà họ lại nhường cho những trường hợp khó khăn hơn, là đối tượng nào nữa (vì đặc biệt nghèo thì đã được hỗ trợ theo diện đặc biệt rồi)?!
Không trả lời được câu hỏi này tức là khâu bình xét hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương có vấn đề, nói rõ hơn là không chính xác, đồng nghĩa với việc gói an sinh 62.000 tỉ đồng rót sai nhiều địa chỉ. Về sự hoài nghi trong bình xét hộ nghèo, tin rằng không chỉ các địa phương ở riêng tỉnh Thanh Hóa có vấn đề...
Chẳng bình thường chút nào khi hàng ngàn hộ dân ở các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương... "xung phong" từ chối suất cứu trợ, khi làm rõ thực hư thì chỉ còn vài chục hộ thật sự tự nguyện nhường suất. Rõ ràng là cái sai của cán bộ địa phương có tính hệ thống, chứ không phải cá biệt.
Do vậy, phải chặn cái sai có tính hệ thống đó lan ra "hệ thống" lớn hơn, để chính sách của Chính phủ được tốt đẹp trọn vẹn. Trên toàn quốc, các tổ chức MTTQ phải tham gia sâu hơn, thể hiện vai trò giám sát của mình, nhờ đó mầm mống tiêu cực mới bị đánh chặn.
Tác giả: A.Q
Nguồn tin: Báo Người lao động