Trong nước

Chưa thấy đề xuất Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013

Trong tờ trình chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đến hết năm 2022 chưa có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Sáng nay (14/6), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 57.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Theo đó, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (cuối năm 2021) sẽ thảo luận và đến kỳ họp thứ 3 (giữa năm 2022) sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật điện ảnh (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật cảnh sát cơ động.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến cho ý kiến 3 dự án luật khác, gồm: Luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật dầu khí (sửa đổi). Cả 3 dự án luật này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4. Ngoài ra, kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng ý với các nội dung kiến nghị. Đồng thời, lưu ý về sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các luật, pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (ban hành kèm theo nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13), hiện còn 18 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2-5 năm.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý với Chính phủ là không tiếp tục xây dựng 8/18 dự án luật, pháp lệnh nêu trên do nhiều nội dung đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác. Còn lại 10 dự án luật, pháp lệnh gồm: Luật về hàm, cấp ngoại giao; Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Dân số; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về hội; Luật Biểu tình; Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp, đề nghị Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa vào chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác.

Như tờ trình, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đến hết năm 2022 chưa thấy kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, dù luật này đang được đánh giá là đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc.

Tại phiên họp, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường đã báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 99,60% tổng số cử tri cả nước. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, qua báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia và ý kiến phát biểu tại phiên họp, cho thấy cuộc Bầu cử đại biểu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp.

Yêu cầu, Hội đồng bầu cử quốc gia nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu; tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, lưu ý đánh giá, rà soát, bổ sung làm nổi bật, tô đậm hơn nữa những kết quả “lần đầu tiên” đạt được trong quá trình tổ chức Bầu cử.

Tác giả: Phùng Đô

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok