Trong nước

Chống tham nhũng từ đâu nhỉ

Vụ vòi tiền của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc một lần nữa lại làm cả xã hội xôn xao.

Xôn xao vì 3 năm qua, với cuộc chiến chống tham những, nhiều vụ án lớn về tham nhũng đã được đưa ra xét xử, nhiều vụ án khác cũng sắp được đưa ra xem xét và cứ tưởng "tấm gương" cũng như bài học của những vụ việc này sẽ ngấm sâu vào bộ máy công quyền, vào những cán bộ, công chức để bộ máy ngày càng phục vụ dân tốt hơn, để công bộc của dân ít vòi tiền hơn, trong sạch hơn. Hình như không hẳn là như vậy.

Nhiễm nặng "con vi rút" tham nhũng

Vụ việc này của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ là một ví dụ điển hình về tham nhũng. Vụ này không lộ ra thì sẽ có vụ khác lộ ra thế chỗ. Vụ gian lận thi cử của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình mà bản chất một phần là câu chuyện nhận tiền nâng điểm, là tham nhũng trong bộ máy công quyền kéo từ năm ngoái đến tận năm nay chưa dứt là một minh chứng.

Tham nhũng với các sắc thái tham nhũng vặt, tham nhũng vừa, tham nhũng lớn và tham nhũng khủng không còn là cá biệt trong bộ máy công quyền nước ta. Càng là những cơ quan nhà nước nắm quyền quyết định, phê duyệt, thẩm định, phê chuẩn cái này, cái kia, nắm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… lại càng là những cơ quan có "tiềm năng" tham nhũng.

Chống tham nhũng từ đâu nhỉ

Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, nơi xảy ra vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản

Vậy thì chống tham nhũng từ đâu nhỉ? Có thể nói không quá rằng cả xã hội ta đã nhiễm nặng "con vi rút" tham nhũng. Nói cả xã hội là bao hàm cả từng người chúng ta trong đó. Nói cả xã hội là bao hàm cả bộ máy nhà nước, là bao hàm cán bộ, công chức, viên chức trong đó.

Hãy thành thật với nhau một chút

30 năm trở lại đây, con người ta quen dần với giá trị của đồng tiền, có tiền là giải quyết được nhiều chuyện. Thời bao cấp không như thế. Tham nhũng, hối lộ thời đó cũng có, nhưng quy mô và mức độ không như bây giờ. Giờ đây đã thành thói quen, mỗi khi có việc đến cửa công, hầu như trong đầu số đông người mình đều nghĩ trước tiên ở cái nơi đó mình có quen ai không. Quen để có chỗ dựa, quen để nhờ vả. Có bệnh đến bệnh viện nhà nước mà có con cháu công tác ở đó là yên tâm cái đã. Không có ai quen thì nghĩ ngay làm thế nào để việc của mình được nhỉ. Và thế là từ ý tưởng nhanh chóng chuyển thành hành động đưa tiền để được việc trong rất nhiều người.

Đang cần có ngay cái giấy đó, là đăng ký kết hôn, sổ đỏ… nay mất thêm ít tiền mà được việc thì cũng ok đi. Chẳng cần đâu xa, ngay những người trong gia đình ta, bạn bè ta, đồng nghiệp ta trong công sở đều có sẵn một lô những chuyện kiểu phải chi tiền để được việc, ví như xin học trường công chất lượng cho con cháu, chi tiền để được làm ngơ khi xây nhà có vi phạm dù là rất nhỏ, chi tiền để con cháu đỗ công chức…

Sáng sáng, công an phường cùng dân phòng lại ra quân giữ gìn trật tự, chống lấn chiếm hè đường làm nơi buôn bán. Thường sau 8 giờ sáng, đâu lại vào đó. Vẫn lấn chiếm hè đường chứ, chuyện bình thường mà vì ta cũng đã có đóng góp cho phường rồi. Có tiền là được hết.

Dân cũng thế mà doanh nghiệp, tổ chức cũng vậy. Tư duy mất tiền nhưng được việc là khá phổ biến và gần như đã thành công thức sống trong đời thường. Mà thường thì mất tiền là bởi cái việc của mình có tý khuất tất, có tý không đúng quy định. Nếu cứ đúng luật thì chắc không được. Cho nên phải chi, phải lót tay với mấy ông công chức liên quan. Hơn nữa, đời là có đi có lại, mình phải bỏ tiền cho cửa quan lo việc này thì mình cũng sẽ kiếm được tiền nhờ cái cửa quan mà mình đang giữ. Anh nọ lấy tiền của anh kia để sống và có lẽ trong mặt bằng xã hội kiểu này, người nông dân là bí nhất, là thua thiệt nhất.

Chống tham nhũng từ khía cạnh này hóa ra không đơn giản. Ta phải chống lại chính ta, ta phải chống lại cái tà, cái phi lý ngay trong ta và chừng nào trong ta còn dung dưỡng mầm mống lo lót để được việc thì chừng đó câu chuyện chống tham nhũng ở ta còn xa vời.

Đấy là nói một phía, tức phía người dân, doanh nghiệp sẵn sàng hối lộ, đưa tiền để được việc, để được bỏ qua sơ suất này, kia trong cái việc mình đang nhờ cậy. Hãy đừng xem nhẹ khía cạnh này, bởi thử hình dung không còn ai muốn đưa hối lộ, không còn ai phải đưa hối lộ, thậm chí không còn ai dám đưa thì việc nhận hối lộ cũng sẽ không diễn ra. Có ai đưa tiền đâu mà nhận. Cho nên, muốn chống tham nhũng thì đây là điểm quan trọng cần phải tính đến. Chống tham nhũng từ bên ngoài bộ máy công quyền. Cái chống kiểu này dường như chưa được chú ý đúng mức.

Còn phía khác là người trong bộ máy, những cán bộ, công chức có liên quan sẽ hành xử ra sao khi tiền được đưa đến. Tất nhiên có rất nhiều cán bộ, công chức cho dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng vẫn vững tâm, vẫn giữ mình trong sạch. Nhưng cũng có rất nhiều người không như vậy. Hãy thành thật với nhau một chút khi nghĩ lại mình vào được công chức như thế nào? Bố mẹ ta có phải bỏ tiền ra để ta vào được cơ quan nhà nước hay không? Cái vị trí công việc nhiều "lộc lá" mà ta đang làm cứ thế đến hay trước đó cũng phải lo lót ít nhiều? Rồi con mới được bổ nhiệm lãnh đạo nữa chứ. Qua bao nhiêu cửa là bấy nhiêu lần lo. Và sau tất cả những chuyện đó thì bây giờ là lo thu lại các khoản đã chi ra từ chính công việc ta đang làm, nhất là những việc liên quan tới "quyết, phê, thẩm, duyệt".

Thế cho nên mới hiểu được khi biết có gia đình sẵn sàng chi vài trăm triệu cốt để con vào công chức. Cứ vào đi, cơ hội thu lại sẽ có lúc xuất hiện. Biết bao tấm gương sờ sờ, hiện hữu đã chứng minh cho chân lý đó. Muốn chống tham nhũng hữu hiệu buộc phải chống từ đây, chống từ bên trong bộ máy công quyền. Và xem ra độ mạnh, độ cương quyết chống từ bên trong vẫn chưa đủ. Mấy vụ thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình sao xử lý lâu vậy, có lọt lưới ai không? Rồi ngay vụ việc của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Tường có phải chỉ là sai phạm cá nhân như người đứng đầu Bộ nói. Lúc nào cũng nói trách nhiệm người đứng đầu nhưng giờ có vụ việc thì chẳng thấy đâu.

Cần phải làm quyết liệt và đặc biệt là cần rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng như yêu cầu của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Làm thực sự và quyết liệt để "bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ như Công điện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh.

Tác giả: Đinh Duy Hòa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok