Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hoá và hàng trăm đại biểu, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Thanh Hoá hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Thanh Hoá là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong cả nước sau khi chúng ta cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, đưa cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới.
“Hội nghị hôm nay là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan toả lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế cả nước và tỉnh Thanh Hoá chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt khó để thúc đẩy phát triển”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh Thanh Hoá là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử hào hùng và là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hoá là vùng đất “phên dậu”, “vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế, là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hoá có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái như trung du, miền núi, đồng bằng, miền biển; tài nguyên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, đầy đủ các loại hình, thuận tiện kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung… “Thanh Hoá hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về KT-XH, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao”, Phó Thủ tướng phân tích.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 trên địa bàn đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 cả nước, quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng (chiếm 8,5% cả nước), thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu/người/năm…
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2020 |
6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với tỉnh Thanh Hoá
Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu năm 2020 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2023 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, tầm nhìn 2045 trình Bộ Chính trị, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, bảo đảm chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển “4 trung tâm kinh tế, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, 6 vùng liên huyện”.
Tỉnh cần huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Thanh Hoá với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế…
Hai là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau. Đồng thời, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần “doanh nghiệp phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất”.
Ba là, nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hoá bứt phá đi lên, phát huy vai trò đầu tàu, động lực, sức lan toả tích cực của các dự án lớn trong Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, đặc biệt Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp sau lọc hoá dầu, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ logistics, nông nghiệp công nghệ cao.
Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư, chú trọng phương thức doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ kết hợp với thu hút chuyên gia giỏi trong nước, ngoài nước; tăng cường đào tạo cán bộ, nhất là những người có liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, xây dựng các trung tâm KHCN, kết nối các trường đại học với doanh nghiệp, làm hạt nhân của đổi mới sáng tạo.
Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đổi mới tác phong và lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng; tích cực hội nhập quốc tế. Lãnh đạo tỉnh cần trực tiếp chỉ đạo công tác thu hút vốn FDI, tiếp xúc và thu hút các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân lớn. Hôm nay, Chính phủ đã chủ trương thành lập Tổ công tác xúc tiến, thu hút FDI, chủ động xây dựng các hạ tầng giao thông của các khu công nghiệp, khu chế xuất… đáp ứng nhu cầu nguồn vốn FDI về Việt Nam.
Sáu là, triển khai Nghị quyết số 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Thanh Hoá cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, trong đó quan tâm đến phát triển kinh tế tư nhân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện đúng các cam kết đầu tư, có chiến lược dài hạn tại Thanh Hoá; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện và hài hoà; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Trường hợp cần thiết, thông qua tỉnh Thanh Hoá để có đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
“Chính phủ sẽ nghiên cứu, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Thanh Hoá huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ sự hợp tác hiệu quả, hỗ trợ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá, tạo tiền đề cho Thanh Hoá tăng tốc, phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận gần 15 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tại Hội nghị này, có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Trong đó, có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng; du lịch là 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng). Đây là những dự án tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Đồng thời, cũng tại Hội nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.
Trong số này, một số dự án rất lớn như dự án đầu tư 11.000 tỷ đồng của Tập đoàn TNG Hoidings Vietnam đầu tư vào 2 dự án trọng điểm là dự án “Đầu tư khai thác hạ tầng mở rộng Khu A - Khu công nghiệp Bỉm Sơn” và dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng TNG Hà Long Golf & Resort, khu nông nghiệp công nghệ cao TNGreen; Tập đoàn FLC đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; Tập đoàn BRG hơn 4.000 tỷ đồng; dự án của Tập đoàn Flamingo; Hãng Bamboo Airways mở hai đường bay mới Thanh Hoá-Phú Quốc, Thanh Hoá-Quy Nhơn từ 1/7/2020…
Tác giả: Lê Sơn - Thái Anh
Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn