Phần lớn bà bầu bị phù trong thai kỳ đều có thể tự điều chỉnh và khắc phục thông qua việc nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện những động tác nhấc chi dưới để hỗ trợ, không cần có can thiệp đặc biệt nào khác. Tuy nhiên, nếu như thành bụng cũng bị phù hoặc không thể tự khỏi, mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra. Ngoài ra, bình thường thực hiện những liệu pháp đơn giản sau đây cũng giúp mẹ phòng ngừa và cải thiện chứng phù hiệu quả.
Điều chỉnh tư thế và sinh hoạt hàng ngày
Trước hết, mẹ có thể làm động tác để tự “trắc nghiệm” xem mình có bị phù trong thai kỳ hay không. Thao tác rất đơn giản, dung ngón tay cái ấn vào vị trí xương cẳng chân. Sau khi ấn một lúc mà thấy phần da ở đây lõm xuống rõ rệt hoặc không trở lại hình dạng bình thường ngay thì cho thấy bạn đã có hiện tượng phù trong thai kỳ.
Điều chỉnh công việc và tiết tấu sinh hoạt hằng ngày
Mẹ cần đảm bảo thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, không để bản thân quá mệt mỏi, căng thẳng. Sau mỗi bữa ăn, tốt nhất là nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng, trong đó giấc ngủ trưa nên đảm bảo nhiều hơn, khoảng 2 tiếng là thích hợp. Mỗi tối mẹ cần ngủ đủ giấc từ 9 - 10 tiếng. Nếu khi bầu bí mà mẹ vẫn đi làm thì việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi càng phải được chú trọng hơn. Nhiều nơi làm việc khiến mẹ không có điều kiện nằm nghỉ, lúc này bạn có thể chọn chiếc ghế tựa thoải mái, chọn tư thế nửa nằm nửa ngồi và gác chân lên ghế để giúp cơ thể được thư giãn.
Không nên đứng, ngồi quá lâu
Với những mẹ ngồi làm việc lâu, tốt nhất là nên sắm thêm một chiếc ghế thấp đặt dưới chân. Trong thời gian làm việc nên đứng dậy đi lại thường xuyên hơn, giúp máu ở chi dưới được lưu thông. Đặc biệt mẹ cần nhớ không ngồi chéo chân, nên thường xuyên co duỗi chân tay ngay tại chỗ ngồi làm việc, giúp các cơ thư giãn.
Mang tất và đi giày dép phù hợp
Các loại tất bó sát và ép chặt bàn chân nên cất đi khi mẹ đang mang thai, dù nó mang tính thẩm mỹ cao nhưng lại ảnh hưởng đến lưu thông máu. Bên cạnh đó, các loại giày dép cho bà bầu cũng cần lựa chọn sao cho thoải mái và an toàn là trên hết, không mang giày cao gót, giày có đế dễ trơn trượt để tránh mẹ bầu té ngã.
Mặc quần áo thoải mái
Các bộ quần áo bó sát sẽ khiến tuần hoàn máu không thông, làm tăng nguy cơ bị phù ở mẹ bầu. Do đó, cho dù đi làm hay ở nhà thì mẹ cũng cần chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu hút ẩm tốt để đảm bảo sức khỏe khi bầu bí.
Hạn chế muối trong khẩu phần ăn
Khi mang thai, khả năng điều tiết thành phần nước, muối của cơ thể mẹ bầu sẽ giảm xuống, do vậy trong khẩu phần ăn hằng ngày của bà bầu nên hạn chế dung nạp quá nhiều muối để giảm nguy cơ bị phù. Mỗi ngày tốt nhất là chỉ dùng dưới 10gr muối.
Nằm nghiêng bên trái
Tư thế này có thể giúp mẹ bầu tránh đè nặng lên tĩnh mạch chi dưới, giảm lực cản máu lưu thông và những áp lực lên tim.
Nhấc cao hai chân
Trước khi ngủ, mẹ bầu có thể thực hiện động tác nhấc chân khoảng 15 - 20 phút, giúp máu lưu thông dễ dàng, giảm áp lực bên trong tĩnh mạch, không những giúp mẹ bầu giảm bớt chứng phù mà còn phòng tránh các bệnh như co giãn tĩnh mạch chi dưới trong thai kỳ.
Bổ sung đầy đủ Protein và rau quả
Mỗi ngày mẹ bầu cần đảm bảo dung nạp đủ Protein cho cơ thể, dưỡng chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, sữa, các loại đậu v.v… Đối với mẹ bầu bị thiếu máu, mỗi tuần nên bổ sung thêm 2 - 3 bữa ăn có gan động vật. Ngoài ra, rau xanh và trái cây cũng chứa nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết cho mẹ bầu lẫn thai nhi, góp phần giải độc, lợi tiểu, giảm nguy cơ bị phù cho mẹ.
Hai món ăn tăng cường dưỡng chất giúp mẹ bầu giảm nguy cơ phù thai kỳ
Chè đậu đỏ
Nguyên liệu: Đậu đỏ 50gr, táo đỏ khô 5 quả, cẩu kỷ tử 10gr, gừng 1 củ, đường vàng.
Thực hiện: Đậu đỏ rửa sạch, ngâm vài giờ rồi rửa lại lần nữa. táo đỏ và cẩu kỷ tử rửa sạch. Gừng xắt lát mỏng, cho tất cả nguyên liệu vào nồi nấu nhừ, nêm đường vàng vừa ăn.
Công hiệu: Nguyên tố Kali trong đậu đỏ rất phong phú, có tác dụng giảm bớt chứng phù, giải trừ mệt mỏi và hỗ trợ khi mẹ bầu thiếu sắt.
Mực xào rau củ
Nguyên liệu: Mực nang 200gr, măng tây 100gr, ớt chuông đỏ 1 quả, ớt chuông vàng 1 quả, tiêu, muối, gừng, dầu oliu.
Thực hiện: Măng tây rửa sạch cắt đoạn ngắn; ớt chuông cắt miếng hình tam giác, gừng cắt sợi. Mực rửa sạch, dùng dao “khứa” những đường xiên trên miếng mực, chú ý không khứa quá sâu.
Cho mực và gừng vào nồi nấu đến khi xoăn lại, vớt ra cho vào ngâm nước lạnh. Măng tây luộc chín. Bắt chảo nóng với dầu oliu, cho ớt chuông vào đảo đều, tiếp theo cho măng tây rồi cuối cùng là cho mực và gừng vào, xào đến khi chín vừa ăn, nêm muối, tiêu thì tắt bếp.
Công hiệu: Mực cũng là nguyên liệu có tác dụng làm giảm chứng phù trong thai kỳ, không những vậy món ăn này còn giúp làm nhuận gan thận, bổ khí huyết, thanh lọc dạ dày, làm sáng mắt, trị thống kinh, an thai, lợi sản, kích thích sữa mẹ v.v…
Tác giả bài viết: Nguyệt Quế