Kinh tế

Chỉ trong 1 tháng, Trung Quốc chi tiền gấp 5 để mua rau quả Việt Nam

Năm 2023, xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, Trung Quốc vẫn là thị trường nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trung Quốc chi tiền gấp 5 để mua rau quả Việt Nam

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua xuất khẩu rau quả giúp Việt Nam thu về 656,2 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng 4/2023. Còn tính hết tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,03 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rau quả là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.

Trung Quốc vẫn là khách hàng số 1, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay (cùng kỳ năm 2022 chiếm 50,6%).

Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5/2023, Trung Quốc đã chi gần 483 triệu USD để mua rau quả của nước ta, tăng đột biến, gấp gần 5 lần so với tháng 5/2022.

Tính đến hết tháng 5 năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,29 triệu USD, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khẳng định, trong vài tháng tới kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Thời gian qua, mặt hàng sầu riêng được Trung Quốc cực kỳ chuộng mua đang vào mùa thu hoạch rộ ở Việt Nam. Mới đây, phía Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng giúp hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, các mặt hàng như thanh long, chuối, mít, vải thiều,... cũng vào vụ thụ hoạch. Thị trường xuất khẩu chính của các loại trái cây này là Trung Quốc.

Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay của Trung Quốc, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể đạt 2,5 tỷ trong năm 2023. Và nếu Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam thì kim ngạch có thể vượt xa hơn.

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Tăng hiệu quả xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Theo báo Nhân Dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao tại thị trường Trung Quốc. Ngoài rau quả, sắn lát khô... đạt mức tăng ấn tượng thì thủy sản, cà phê lại đang giảm sâu tại thị trường rộng lớn này, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới.

Ðể gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đây là hai yêu cầu quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Như với trái thanh long - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc thì ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này.

Đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cung cấp phần lớn trái cây nhiệt đới cho thị trường Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, năm 2022, Thái Lan xuất khẩu trái nhiều nhất vào Trung Quốc với giá trị gần 6,3 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 với gần 1,3 tỷ USD.

Kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2023

Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả, khi thị trường Trung Quốc nới lỏng thủ tục kiểm dịch với hàng nhập khẩu.

Thông tin trên báo Đầu Tư, thời gian qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam, do đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong năm 2023.

Công tác mở cửa thị trường đối với các loại nông sản có giá trị cao của Việt Nam sẽ tạo đà để xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong những năm tới, hình thành các vùng sản xuất, kinh doanh trái cây chất lượng, ghi tên Việt Nam trên bản đồ các nhà xuất khẩu trái cây đi các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao.

Việt Nam không thiếu trái cây ngon, chất lượng không thua gì nhiều nước. Theo các chuyên gia, ngoài gia tăng sản xuất hàng hóa lớn, đàm phán xuất chính ngạch nhiều loại trái cây, làm thế nào để quảng bá trái cây ngon Việt Nam đến người tiêu dùng thành thị, đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử, siêu thị cũng là vấn đề quan trọng.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2022 và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok