Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai “quay đầu”
Sau 4 phiên tăng liên tục, hôm qua (10/9), cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai đã quay đầu giảm nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,8% xuống 4.790 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chung không thuận lợi.
Khớp lệnh tại mã này vẫn ở mức cao, đạt 8,37 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch hơn 40 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến công ty bầu Đức đó là Hoàng Anh Gia Lai vừa thông qua việc chuyển đổi nợ vay và phải thu tại công ty Chăn nuôi Gia Lai sang vốn cổ phần.
Theo đó, gần 5.866 tỷ đồng dư nợ sẽ chuyển thành 586,6 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng.
Văn bản do bầu Đức ký duyệt |
Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tập đoàn sẽ mua lại cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con để tham gia điều hành, tái cấu trúc bộ máy quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Công ty Chăn nuôi Gia Lai thành lập năm 2014 với ngành nghề đăng ký chính là chăn nuôi bò. Theo báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, công ty này nằm trong những tổ chức “có liên quan” với Hoàng Anh Gia Lai và thường xuyên có những giao dịch lớn. Hàng loạt giao dịch (tạm ứng mua hàng hoá, cho vay, lãi cho vay…) trong kỳ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đến cuối quý 2 vừa qua, các khoản phải thu của Công ty Chăn nuôi Gia Lai vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nợ phải thu ngắn và dài hạn.
Tổng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng của Hoàng Anh Gia Lai là hơn 10.800 tỷ đồng. Kiểm toán viên cho biết, không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng vào ngày 30/6 là 7.298 tỷ đồng, bao gồm trong số dư nói trên.
|
|
Một số giao dịch của Hoàng Anh Gia Lai với các bên liên quan |
Trong đó, khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty Chăn nuôi Gia Lai là 4.169,4 tỷ đồng; lãi cho vay phải thu dài hạn 560,4 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn với Chăn nuôi Gia Lai là 1,3 tỷ đồng cung cấp dịch vụ xây dựng và 16,4 tỷ đồng bán hàng hoá; 205,7 tỷ đồng tiền ứng trước mua hàng hoá và dịch vụ. Chăn nuôi Gia Lai còn vay ngắn hạn xấp xỉ 1.100 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm; lãi vay vay ngắn hạn 16,9 tỷ đồng; cho mượn 8,8 tỷ đồng, chi phí trả hộ 2,63 tỷ đồng v.v…
Thoả thuận cổ phần Vinhomes đẩy giao dịch thị trường tăng mạnh
Về thị trường chứng khoán, mặc dù có nhiều nỗ lực trong phiên hôm qua và chỉ số gần như toàn thời gian đều diễn biến trên ngưỡng tham chiếu, song thời điểm chốt phiên vẫn chấp nhận trạng thái giảm, mất nhẹ 0,5 điểm tương ứng 0,06% còn 888,82 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index loanh quanh ngưỡng tham chiếu và cũng đóng cửa giảm 0,11 điểm, tương ứng 0,09% còn 125,82 điểm. UPCoM ngược lại tăng nhẹ 0,2 điểm tương ứng 0,34% lên 59,03 điểm.
Nhờ có giao dịch thoả thuận quy mô lớn ở VHM của Vinhomes nên thanh khoản trên HSX được đẩy lên 387,23 điểm, tương ứng 11.429,46 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 40,58 triệu cổ phiếu tương ứng 445,99 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 17,29 triệu cổ phiếu tương ứng 195,14 tỷ đồng.
Thảo thuận toàn phiên ở VHM lên tới 72,3 triệu cổ phiếu, giá trị thoả thuận đạt 5.423 tỷ đồng. Tuy vậy, trái ngược với phiên sáng, VHM kết phiên lại sụt giảm…
Điểm tích cực là bức tranh thị trường vẫn có sắc xanh là chủ đạo. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 454 mã tăng giá, 57 mã tăng trần so với 297 mã giảm, 18 mã giảm sàn.
Thế nhưng thị trường lại thiếu sự dẫn dắt của những mã cổ phiếu lớn. Dù rằng, VN30-Index vẫn tăng 1,43 điểm tương ứng 0,17% lên 825,85 điểm song không có mã lớn nào trong rổ này có mức tăng mạnh.
Số lượng mã tăng, giảm và đứng giá ở trong rổ VN30 lần lượt là 11 mã tăng, 9 mã giảm, 10 mã đứng giá tham chiếu.
Điều này cho thấy rõ có sự phân hoá nhất định trong nhóm những cổ phiếu có sức ảnh hưởng trên thị trường. Nếu GVR, VNM, TCB, GAS, REE có ảnh hưởng tích cực tới VN-Index thì ngược lại BCM, VHM, BID, PLX, BVH lại giảm và ảnh hưởng không tích cực lên chỉ số.
Riêng trong rổ VN30, nếu SAB giảm 1.000 đồng, PLX, VHM, BID, MSN, VCB giảm thì trái lại VNM, GAS, HPG lại tăng. Các “ông lớn” khác như VIC, VRE đứng tham chiếu.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí