Từ năm 2016 tới nay, HAGL đã liên tục cho mượn những cầu thủ trẻ trưởng thành từ Học viện HAGL và lứa Năng khiếu ra nước ngoài hoặc các CLB trong nước. Tuy nhiên, phần lớn hợp đồng ấy đều không mang lại thành công. Trào lưu đó bắt đầu ở mùa giải 2016 với Lương Xuân Trường (áo xanh) là một trong những gương mặt đầu tiên. Sau 3 lần chơi bóng ở Incheon, Gangwon (Hàn Quốc) và Buriram (Thái Lan), anh đều không thành công và đã trở lại HAGL từ giữa năm ngoái. Ảnh: Incheon. |
Nguyễn Tuấn Anh (phải) cũng là một trong 3 cầu thủ HAGL xuất ngoại năm 2016. Anh chỉ chơi một mùa cho Yokohama ở hạng Hai Nhật Bản trước khi về V.League. Dù bị chấn thương hành hạ, Tuấn Anh vẫn bình phục thành công và đang trở lại mạnh mẽ. Anh hiện là cầu thủ Gia Lai thành công nhất ở tuyển Việt Nam. Ảnh: Yokohama. |
Nguyễn Công Phượng cũng rời Gia Lai theo dạng cho mượn hồi năm 2016. Anh từng chơi cho Mito HollyHock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truidense (Bỉ). Cả ba lần xuất ngoại này đều thất bại. Anh không được thi đấu, sa sút phong độ và kéo theo đó là mất vị trí tại tuyển Việt Nam. Ảnh: Incheon. |
Tuy nhiên, Phượng đang gặt hái được những thành công bước đầu khi chuyển về chơi cho CLB TP.HCM theo dạng cho mượn. Thành công của Phượng ở TP.HCM mở ra xu hướng mới cho các cầu thủ HAGL. Họ có thể thành công hơn khi chơi cho các CLB trong nước tại V.League. Ảnh: Duy Anh. |
Chuyển tới TP.HCM cùng Công Phượng là cặp hậu vệ Lê Văn Sơn (ảnh) và Lê Đức Lương. Văn Sơn đã nhanh chóng chiếm lấy vị trí chính thức. Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở CLB đương kim á quân, cơ hội thi đấu với các đối thủ quốc tế, khả năng giành danh hiệu thực sự là những điều họ không có ở HAGL. Ảnh: CLB TP.HCM. |
Trước bộ ba này, Trần Hữu Đông Triều cũng tạo được dấu ấn ở Bình Dương mùa 2019. Anh cũng là cầu thủ đầu tiên của HAGL về nhì tại siêu cúp quốc gia 2018. Tuy nhiên, Đông Triều đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến vị trí tại Bình Dương. Ảnh: Bình Dương FC. |
Lê Phạm Thành Long được xem là cầu thủ thành công nhất khi rời HAGL theo dạng cho mượn. Anh từng chơi cho Long An, Hải Phòng và hiện khoác áo Thanh Hóa. Tại đội bóng nào, Thành Long cũng cho thấy dấu ấn rõ ràng về chuyên môn. Đỉnh cao của tiền vệ này là việc được gọi lên Olympic Việt Nam trước thềm Asian Games 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Hải Phòng cũng là điểm đến ưa thích của các hợp đồng cho mượn từ HAGL. Ngoài Thành Long, Nguyễn Văn Hạnh (áo vàng) và Lương Hoàng Nam đã chơi cho Hải Phòng và có cơ hội thể hiện mình. Ảnh: Minh Chiến. |
Đinh Thanh Bình là trường hợp cho mượn kỳ lạ nhất của HAGL. Anh chơi cho Viettel lượt về hạng Nhất 2018 và lượt đi V.League 2019. Thanh Bình chơi không quá hay nhưng bất ngờ được gọi lên danh sách sơ bộ tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019. Anh thậm chí sang tới UAE và chỉ bị loại khi HLV Park Hang-seo chốt danh sách cuối cùng. Ảnh: Minh Chiến. |
Mùa 2020, Thanh Bình, Trần Thanh Sơn (số 8) và 7 cầu thủ Gia Lai khác đã được cho mượn xuống Công an Nhân dân ở giải hạng Nhì. Bầu Đức cho rằng với nhóm cầu thủ này, được thi đấu tại hạng Nhì còn hơn ngồi dự bị ở V.League. Ảnh: Minh Chiến. |
“Những đứa trẻ của bầu Đức” không đạt được nhiều thành công khi rời phố núi. Họ thất bại hoàn toàn khi xuất ngoại và chỉ thực sự để lại dấu ấn lúc chơi bóng trong nước. Thành Long và Công Phượng có thể xem là hai cái tên thành công nhất. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tác giả:Thanh Hà
Nguồn tin: zing.vn