Nghịch lý thừa - thiếu trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 35.623 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT các trường công lập năm học 2019-2020 là 33.286 thí sinh.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT Mường Lát nói riêng và nhiều trường ở khu vực miền núi thấp hơn chỉ tiêu được giao.
Theo tìm hiểu, tại nhiều trường THPT ở khu vực miền núi có số lượng thí sinh ĐKDT ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể như: Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát) có 309 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 336 học sinh; Trường THPT Cẩm Thủy 2 (huyện Cẩ Thủy) có 233 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh là 245; Trường THPT Thường Xuân 3 (huyện Thường Xuân) có 230 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng là 230, trong khi chỉ tiêu là 246 học sinh...
Tình trạng thiếu chỉ tiêu so với hồ sơ ĐKDT không chỉ diễn ra ở các trường miền núi mà tại nhiều trường THPT ở khu vực miền xuôi cũng tương tự.
Cụ thể, Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn) chỉ có 477 thí sinh ĐKDT và xét nguyện vọng, nhưng chỉ tiêu là 502 học sinh; Trường THPT Hoàng Lệ Kha (huyện Hà Trung) có 407 thí sinh ĐKD và xét nguyện vọng, chỉ tiêu là 420 học sinh; Trường THCS&THPT Thống Nhất (huyện Yên Định) có 199 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng, chỉ tiêu là 250 học sinh...
Những năm học gần đây, nhiều trường thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, đặc biệt là các trường ở khu vực miền núi mặc dù điểm đầu vào thấp (có trường chỉ từ 3,5 - 5 điểm/3 môn thi) vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, các thí sinh chỉ cần tránh điểm liệt là đỗ vào trường THPT công lập.
Trường THPT Ba Đình, huyện Nga Sơn là một trường ở khu vực miền xuôi nhưng số lượng thí sinh đăng ký cũng ít hơn chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh những trường có hồ sơ ĐKDT không đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh thì một số trường có số hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, THPT Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) có 787 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng, chỉ tiêu tuyển sinh là 533 học sinh; THPT Nguyễn Trãi (thành phố Thanh Hóa) có 519 hồ sơ ĐKDT và xét nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu là 375 học sinh; THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc) có 666 thí sinh ĐKDT và chỉ tiêu là 484 học sinh…
Theo ông Lê Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa thì tình trạng nhiều trường có số hồ sơ ĐKDT không đủ so với chỉ tiêu năm nào cũng xảy ra. Nguyên nhân là, nhiều huyện thường có 2-3 trường THPT, do tâm lý của học sinh nên năm nay, trường này nhiều hồ sơ ĐKDT, nhưng năm sau, học sinh lo lắng lại nộp hồ sơ ĐKDT vào trường khác.
Kế hoạch tuyển sinh hàng năm thường căn cứ vào số học sinh đang học lớp 9. Cũng theo ông Cương, nhờ công tác phân luồng nên nhiều học sinh không ĐKDT vào lớp 10 THPT mà có những lựa chọn khác cho tương lai của mình. Vì vậy, có nhiều trường, số hồ sơ ĐKDT không đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao.
Học sinh không lựa chọn vào lớp 10 THPT ngày càng tăng
Thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho thấy, năm học 2019-2020, tỉnh Thanh Hóa có 44.376 học sinh lớp 9, chỉ tiêu tuyển sinh là 33.286 thí sinh (đạt khoảng 75% số học sinh lớp 9 tuyển sinh vào lớp 10 THPT), số còn lại sẽ theo học các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia vào thị trường lao động.
Tại huyện Nga Sơn, năm học 2018-2019, địa phương này có 1.783 học sinh đã hoàn thành chương trình THCS, trong đó có 1.386 học sinh ĐKDT vào lớp 10 THPT; số còn lại, các em lựa chọn học nghề hoặc đi lao động.
Theo ông Phạm Đức Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn đó là do những năm gần đây, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Hơn nữa, thực tế nhiều sinh viên ra trường không có việc làm cũng khiến nhận thức về việc lựa chọn nghề nghiệp của người dân và học sinh thay đổi.
Học sinh lựa chọn đi học nghề ngày càng tăng.
Tại Trường trung cấp Nghề Nga Sơn, đến thời điểm hiện nay đã có hơn 300 hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào trường, trong đó, có khoảng 90% là hồ sơ đăng ký của học sinh đã hoàn thành chương trình THCS trên địa bàn huyện.
Thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường được phép tuyển 80% học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng trên thực tế chỉ tuyển được 60% (319 học sinh trúng tuyển vào lớp 10).
Năm học 2018 - 2019, huyện Mường Lát có 697 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có 309 học sinh ĐKDT vào lớp 10 (năm nay, Trường THPT Mường Lát có 336 chỉ tiêu). Như vậy, hơn một nửa học sinh sau khi học hết THCS đều chọn đi học nghề hoặc đi lao động...
Qua số liệu thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, những năm gần đây, học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS đã lựa chọn học nghề tại các trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp, các trường Trung cấp nghề, hoặc tham gia vào thị trường lao động ngày càng tăng.
Cụ thể: năm học 2016-2017, có 40.790 học sinh hoàn thành chương trình THCS, trong đó có 32.984 học sinh vào THPT còn 7.806 học sinh vào học các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung cấp nghề, lao động tự do; Năm học 2017-2018, có 47.374 học sinh hoàn thành chương trình THCS, có 38.329 học sinh vào THPT, còn lại 9.045 học sinh vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, Trung cấp nghề, lao động tự do.
Còn năm học 2019-2020, nếu theo số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 (33.286 học sinh), sẽ có hơn 11.000 học sinh không theo học THPT.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí