Thế giới

Châu Á “ngưỡng mộ” nhưng “lo lắng” về Trung Quốc

Trung Quốc được coi là một đất nước đáng để học hỏi vì sự phát triển vượt bậc của mình, nhưng cách cư xử của quốc gia này ở mặt nào đó lại chỉ khiến các nước láng giềng cảm thấy cần phải đề phòng.

Trung Quốc không có cách cư xử khiến các quốc gia châu Á nể phục.

Malaysia đang mong muốn Trung Quốc sẽ thể hiện hơn nữa vai trò “lãnh đạo toàn cầu” trong lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên Bắc Kinh lại khiến các quốc gia Đông Nam Á quan ngại về lập trường thiếu thân thiện trong khu vực, một trong những quan chức hàng đầu của chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad nói hôm 11/10.

Phát biểu tại hội nghị được tổ chức bởi tờ South China Morning Post ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Mohamed Azmin Ali đã có các quan điểm về vai trò của nền kinh tế lớn nhất châu Á đối với khu vực. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn là điều gây tranh cãi trong hội nghị.

Hội nghị cũng khẳng định, sự ổn định trong khu vực có thể bị tổn hại nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn, kéo theo một cuộc xung đột địa chính trị khiến các nước buộc phải tham gia vào một kịch bản không mong muốn.

Ông Azmin nhấn mạnh, chính quyền mới của Malaysia sẽ ngày càng coi Trung Quốc như một “đất nước đáng để học hỏi” vì đã hồi sinh lại chính sách đối ngoại “Hướng Đông” hàng thập kỷ trước, một trong những bước đi được Thủ tướng Mahathir khởi xướng lần đầu tiên trong giai đoạn 1981-2003.

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia nhấn mạnh, các nhà đầu tư không nên đánh giá sai chính sách của Kuala Lumpur sau quyết định hủy bỏ dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gây chú ý gần đây.

Trước đó, Thủ tướng Mahathir đã đưa ra một quyết định khiến Bắc Kinh quan ngại khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 23 tỷ USD sau khi ông lên nắm quyền, với lý do chi phí tăng cao và nhu cầu của Malaysia chưa thấy cần thiết.

"Thay vì nhìn Malaysia bằng sự lo lắng, tôi kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc hãy nhìn chúng tôi qua lăng kính hy vọng và cơ hội", ông Azmin nói với hội nghị. "Hơn bao giờ hết, Malaysia là một trong những nơi hấp dẫn ở Đông Nam Á để kinh doanh".

“Hôm nay, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mang đến giá trị lãnh đạo toàn cầu không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong cả quyền lực mềm bằng cách thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, tôn trọng lẫn nhau và công bằng”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Azmin cho biết, thế giới đang theo dõi diễn biến địa chính trị ở Đông Nam Á chặt chẽ vì đây là khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự trỗi dậy của Trung Quốc về thương mại, ngoại giao và an ninh.

Nhưng trong khi Malaysia và các nước láng giềng nhìn Trung Quốc bằng "sự ngưỡng mộ chân thành", thì cũng có "một số lo ngại vì sức mạnh quân sự của nước này", Bộ trưởng Kinh tế Malaysia phát biểu.

Cạnh tranh Trung Quốc-Mỹ không dẫn đến Chiến tranh Lạnh

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Mohamed Azmin Ali.

Chủ đề về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thảo luận một cách nóng bỏng bởi các chuyên gia an ninh khu vực hàng đầu tại hội nghị.

Shahriman Lockman, một nhà phân tích cao cấp của viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia đã bày tỏ hoài nghi về những suy đoán cho rằng: Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nhà nghiên cứu Malaysia cho biết, tình hình hiện tại giữa hai cường quốc là ít nghiêm trọng hơn so với cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ.

Theo đó, tình trạng đối đầu của hai cường quốc nói trên trong quá khứ có liên quan đến “chiến tranh nóng” - như chiến tranh Triều Tiên, cũng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba...nhà nghiên cứu này chỉ ra.

“Đó mới là Chiến tranh Lạnh. Những điều vô cùng nghiêm trọng. Còn những gì chúng ta đang thấy ở đây ngày hôm nay chỉ là một số vướng mắc”, Shahriman nêu quan điểm. "Mọi thứ sẽ cuồng loạn hơn rất nhiều nếu chúng ta rơi vào một Chiến tranh Lạnh thật sự”.

“Mỹ không tin rằng Trung Quốc là không thể bị khuất phục, nhưng họ cũng không muốn phải làm điều đó với Trung Quốc”, ông nói thêm.

Về phần mình, học giả Joseph Liow từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho biết, các nước trong khu vực sẽ phải chống lại bất kỳ áp lực có thể xảy đến nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Malaysia, ông Norazman Ayob, nói với hội nghị rằng, căng thẳng thương mại đã khiến các nước Đông Nam Á phải nỗ lực nhanh chóng để ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đàm phán trong 5 năm qua.

Hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Châu Á , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok