Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9/2018 ước đạt 3,38 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 15,2 tỷ USD; thủy sản ước đạt 6,4 tỷ USD; lâm sản chính ước đạt 6,7 tỷ USD; chăn nuôi ước đạt 0,41 tỷ USD.
Đứng đầu thị trường mà Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản nhất là Trung Quốc với 22,9% (tương đương 6,7 tỷ USD). Tiếp theo là Mỹ với 17,5% (tương đương 5,17 tỷ USD), Nhật Bản đạt 8,8% (tương đương 2,6 tỷ đồng) và Hàn Quốc đạt 6,9% (tương đương 2 tỷ USD).
Xuất khẩu thủy sản 9 tháng ước đạt 6,4 tỷ USD. (Ảnh: Vneconomy) |
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt gần 5 triệu tấn, với kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 23,2% thị phần; đạt 1,02 triệu tấn và 529,9 triệu USD.
Bên cạnh đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia (gấp 67 lần), Iraq (gấp 3 lần), Hồng Kông (tăng 70,6%), Philippine (tăng 67,4%) và Malaysia (tăng 26,9%).
Riêng về thị trường trường rau quả, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng rau quả của Việt Nam vẫn là Trung Quốc khi chiếm tới 74,1% thị phần, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, các thị trường Thái Lan (tăng 37,9%), Úc (tăng 36%), Hoa Kỳ (tăng 26,3%) và Hàn Quốc (tăng 21,4%) có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh.
Các chuyên gia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong các tháng cuối năm 2018 của các thị trường truyền thống sẽ tăng. Trong khi đó, nguồn cung gạo trong nước đang bị ảnh hưởng do mùa lũ năm nay tại vùng ĐBSCL nước lớn hơn năm ngoái.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn nhất của Việt Nam. |
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời, tập trung thu mua lúa dự trữ chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và các cơ quan Bộ, ngành cần chủ động làm việc với các nước nhập khẩu xác định nhu cầu để định hướng tốt cho sản xuất.
Trước đó, các chuyên gia dự báo vào quý 4/2018, xuất khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây dự báo sẽ thuận lợi hơn so với quý 3, đặc biệt thị trường Trung Quốc vào các tháng cuối năm dự báo tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này.
Tuy nhiên thực tế đang cho thấy rất nhiều rau quả của Việt Nam, đặc biệt là thanh long hiện đang chững lại vì Trung Quốc ngừng thu mua.
Theo thống kê, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 9 năm 2018 ước đạt 2,63 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 23,42 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. |
Tác giả: NHẬT LINH
Nguồn tin: Báo VTC NEWS