Chú không uống là coi thường anh
Vốn không biết uống, nhưng các anh ruột, anh rể của vợ Toàn thì tửu lượng vô biên. Các anh chị đều lấy vợ, lấy chồng và lập nghiệp gần nhà bố mẹ vợ Toàn nên ngày nào cũng 3 bữa rượu.
“Chỉ có vợ mình lấy chồng ở xa nhất, bố mẹ đẻ mình lại không câu nệ bắt các con phải giành hẳn cái Tết cho nhà nội nên năm đầu tiên cưới nhau, mình đã cho vợ về ngoại từ trưa mùng một Tết. Bố mẹ vợ mừng một, anh chị em cô ấy mừng mười, còn cô ấy thì như đứa trẻ. Khi chúng tôi lên đến nơi, thì 4 mâm cỗ với đầy đủ các thành viên trong đại gia đình tề tựu đông đủ. Và sự say của tôi bắt đầu”- anh Toàn kể lại.
Sau màn hỏi thăm, mọi người lục tục ngồi vào mâm, anh Toàn được xếp ngồi cùng mâm cánh đàn ông trong gia đình với bố vợ, 3 ông anh vợ, 2 ông anh cọc chèo. Chén đầu tiên bố vợ giành chúc đại gia đình năm mới sức khỏe, làm ăn tấn tới và luôn đoàn kết. Tiếng chén chạm vào nhau lanh canh, cả nhà từ già, trẻ, nam, nữ uống cạn.
“Thế rồi cứ theo thứ tự từ anh cả, anh thứ, cho đến anh rể áp út… mỗi người một chén chúc gia đình nói chung và không quên chúc rể út tôi – thành viên mới của gia đình. Chỉ đến chén thứ 4 tôi đã bắt đầu lâng lâng. Ngập ngừng muốn từ chối khi anh cọc chèo thứ 5 trong nhà nâng chén, nhưng ngay lập tức cả nhà đặc biệt là ông anh ấy bảo “thế là chú coi thường anh”. Chẳng thể từ chối, tối nốc cạn chén rượu rồi …sáng sau mới thấy mình ở trên giường từ lúc nào không hay. Tôi gặng hỏi vợ xem mình có làm gì thất thố lúc say với mọi người hay không thì cô ấy chỉ tủm tỉm cười không nói”- anh Toàn nói.
Biết thêm phong tục kỳ lạ
Anh Toàn cũng cho biết thêm, mặc dù bản thân biết không uống được rượu nhưng do cả nể, một phần do lễ nghi nên năm đầu tiên ngày nào anh cũng “bê bết”. Chưa hồi trận rượu ngày hôm trước, lại tiếp trận rượu ngày hôm sau. Khi là với anh chị em trong gia đình, khi lại uống với bà cô, ông bác bên vợ. Thậm chí có cả những người bạn vợ.
“Cả năm mới có ngày tụ họp, ngồi vào mâm thì không thể không uống. Vì thế, rút kinh nghiệm năm đầu, từ năm sau, tôi bàn với vợ mùng 3 mới về ngoại. Khi ấy, cũng gần hết Tết nên mọi người không hò nhau uống rượu. Ngoài ra, trước khi ngồi vào mâm, tôi phải “đổ bê tông” trước rồi mới uống và không quên bát canh chua bên cạnh. Dường như tửu lượng của tôi cũng được nâng lên - ít say hơn hẳn”- anh Toàn nói.
Không những thế, lấy lý do cả năm mới về thăm quê 2- 3 lần, anh Toàn hay “xúi” vợ nghĩ ra lý do để “trốn” những buổi tiệc rượu không cần thiết. “Tôi hay rủ vợ đi khám phá những danh lam thắng cảnh ở những vùng lân cận. Do đó, sau ba năm cưới nhau, vợ chồng tôi đã đến gần hết những địa danh, khám phá khá nhiều phong tục tại địa phương này” – Toàn cười tít mắt kể lại tuyệt chiêu “trốn" rượu.
Anh cũng bảo, không nghĩ ra “chiêu” trốn rượu ấy, anh sẽ không thể biết một phong tục khá kỳ lạ của người Pà Thẻn (Tuyên Quang) khi thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình.
“Tết năm ngoái trong một ngày “trốn rượu” cùng vợ tôi được đặt chân đến huyện Lâm Quang “xứ sở” của phong tục kỳ lạ này. Tôi tận mắt nghe người dân kể và chỉ cho xem phong tục “thờ bát nước lã”. Theo đó, bát nước này được đậy kín không được để cho cạn khô. Trong năm, chỉ vào cuối tháng 6 tức là giữa năm, gia chủ mới được phép mở ra xem và tiếp thêm nước lã cho đầy bát để đợi đến Tết. Đêm 30 Tết, nhà nhà đều phải bịt kín tất cả các cửa hoặc lỗ thông khí. Trong lúc cửa đóng then cài, gia đình bí mật nấu một nồi cháo gà để cả nhà cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống cọ rửa và thay nước mới”- anh Toàn kể lại.
Như thường lệ, năm nay vợ chồng anh Toàn vẫn lên kế hoạch về quê ngoại ăn Tết. Tuy nhiên, theo anh Toàn năm nay anh có lý do chính đáng “bế con” để không phải uống vì vợ anh mới sinh. Anh hy vọng “lý do” của mình được mọi người chấp nhận.
Tác giả bài viết: Theo N.Huyền/Infonet